dd/mm/yyyy

Nông dân Tủa Chùa phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động

Phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương phát triển.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi là là một trong những hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Không những góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, tăng thu nhập, mà chủ trương này còn đảm bảo cho việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Từ đó, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá.

Nông dân Tủa Chùa phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế của gia đình anh Vừ A Sùng, bản Phô, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Ảnh: Minh Thảo

Trước đây, kinh tế gia đình ông Cà Văn Vinh, nông dân bản Ðun Nưa, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) chỉ dựa vào hơn 1.000m2 lúa nương nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, gia đình ông vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân xã để xây dựng chuồng trại và mua giống gia súc, gia cầm về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn chăn nuôi, ông Vinh còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi do Hội nông dân và phòng LĐTBXH huyện kết hợp mở. Từ kiến thức được học cùng với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, đàn vật nuôi của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay, gia đình ông Vinh đang nuôi hơn 20 con dê, gần 100 con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi mang đến cho gia đình ông thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Ông Lò Văn Nhai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Ðun cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho hơn 200 lượt hội viên vay để đầu tư mua trâu, bò, dê về chăn thả với tổng dư nợ hơn 9 tỷ đồng. Ðến nay, cơ bản cuộc sống của các hội viên nông dân đã được nâng lên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục truyên truyền vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Đến xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa), chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình anh Vừ A Sùng, bản Phô. Ðây là một trong những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu tại địa phương. Ðược biết, trước đây gia đình anh Sùng tập trung trồng cây ngô lai. Tuy nhiên sau nhiều năm đầu tư, tốn công lao động nhưng không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, anh đã suy nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Sau khi tham khảo, tìm tòi, học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau, anh Sùng quyết định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua ủy thác của tổ chức Hội Nông dân để đầu tư nuôi dê sinh sản.

Nông dân Tủa Chùa phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động - Ảnh 3.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân Tủa Chùa đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Thảo

Anh Sùng chia sẻ: Từ nguồn vốn vay, tôi đã mua được 6 con dê. Trong quá trình chăn nuôi, không chỉ học hỏi kiến thức trên sách báo, tôi còn tham gia lớp tập huấn về chăm sóc, phòng bệnh cho dê. Với những kiến thức đã học, tôi đã có thể tự mình nhận biết được dấu hiệu của dịch bệnh xảy ra trên đàn dê và kịp thời phòng, trị bệnh. Hiện tại, đàn dê đã tăng lên 40 con. Không chỉ tập trung nuôi dê, gia đình tôi còn  chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây dâu tây. 3 năm qua, vườn dâu tây của gia đình đã cho thu nhập ổn định.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Trong những năm qua, Phòng Nông nghiệp đã tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng kế hoạch triển khai nhiều mô hình sản xuất phù hợp với thực tế ở địa phương, từ đó nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả giúp nông dân xoá đói giảm nghèo. Phòng Nông nghiệp huyện tích cực xây dựng kế hoạch giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống mới, chất lượng cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng vùng sản xuất an toàn, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ưu tiên nguồn lực để khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Thu Hường