Đưa mạch vòng tự động hóa DMS vào quản lý vận hành điện
Đưa ứng dụng DMS vào quản lý vận hành giúp nhanh chóng khoanh vùng sự cố, vùng bị ảnh hưởng, đưa ra các kịch bản đã được lập trình sẵn để cô lập sự cố và khôi phục cấp điện các khu vực không có sự cố nhưng bị mất điện (phần mềm tự tính toán để xuất phương án khôi phục cung cấp điện theo các phương án vận hành tối ưu về tổn thất lưới điện, điện áp…)
Các thao tác nhờ sự hỗ trợ của phần mềm diễn ra nhanh chóng thay vì người vận hành phải xem sơ đồ vận hành, phân tích và đưa ra quyết định. Ứng dụng DMS cho phép người vận hành có thể chọn hình thức khôi phục sự cố tùy theo điều kiện vận hành của lưới điện khu vực (mạch vòng): Cách ly toàn bộ khu vực sự cố và ảnh hưởng sự cố để kiểm tra sửa chữa, hoặc cách ly điểm sự cố và khôi phục khu vực không sự cố nhưng có ảnh hưởng mất điện.
Hiện PC Điện Biên đang quản lý vận hành 161 bộ thiết bị gồm: 116 Recloser (máy cắt tự đóng lặp lại) và 55 LBS (dao cắt phụ tải kiểu kín) dập hồ quang bằng chân không hoặc khí SF6; Tổng số lượng ngăn lộ xuất tuyến trung áp tại TBA 110kV bao gồm: 29 xuất tuyến; 07 xuất tuyến trung áp đã chạy bài toán DMS đạt 24.1%; 07 mạch vòng đã chạy bài toán DMS (mạch vòng có từ 02 nguồn cấp và mạch vòng có từ 03 nguồn cấp trở lên xét theo phương thức vận hành cơ bản). Sau khi đưa hệ thống DMS vào vận hành có độ ổn định cao, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất, đồng thời bảo đảm tính tối ưu về kết cấu lưới điện, linh hoạt trong vận hành đồng thời giảm thiểu thời gian mất điện do phân đoạn và sử lý sự cố.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên cho biết: Trước đây, việc phân đoạn tìm điểm sự cố trên lưới điện phân phối toàn tỉnh vẫn thực hiện nhiều bước thủ công. Khi có sự cố trên đường dây, máy cắt đầu nguồn tự động cắt, sau đó nhân viên quản lý vận hành mới có thể đi cắt các thiết bị phân đoạn từ xa đến gần để xác định và cách ly phân đoạn bị sự cố. Đối với lưới mạch vòng, sau khi cách ly phân đoạn bị sự cố mới tiến hành xem xét đóng các thiết bị phân đoạn để cung cấp điện cho các phân đoạn không bị sự cố. Do vậy, muốn giảm thời gian xử lý sự cố thì giải pháp hiệu quả là đầu tư thiết bị có khả năng phối hợp tự động trên lưới nhằm nhanh chóng tìm kiếm, phát hiện sự cố, khu vực sự cố. Từ đó, đưa ra phương án vận hành tối ưu, cách ly phân đoạn bị sự cố và tự động cấp điện trở lại cho các phân đoạn không bị sự cố; giảm thiểu vi phạm, giảm thiểu chi phí vận hành, tối ưu hóa vận hành cho máy biến áp.
Với nhiệm vụ quản lý, vận hành 22 lộ đường dây trung áp với tổng chiều dài là 2.895,72km, trong đó có 14 lộ mạch vòng liên kết, 6 lộ mạch vòng tự động hóa, 1.337 trạm biến áp với tổng công suất định mức 208.441kVA (trong đó tài sản KH 161 TBA/61.499,5kVA), 141.667 khách hàng sử dụng điện tại 10 huyện, thị, thành phố và một số vùng lân cận phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, việc đưa ứng dụng DMS vào vận hành góp phần hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện trung áp.
Hiệu quả khi đưa mạch vòng tự động hóa DMS vào quản lý vận hành điện
Vừa qua, Công ty Điện lực Điện Biên vận hành và đưa vào sử dụng dự án tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp trên địa bàn huyện Điện Biên và huyện Mường Chà với tổng mức đầu tư 1.650 triệu đồng, công trình có quy mô: Cài đặt cấu hình tự động hóa 03 mạch vòng trung áp trong đó có 01 mạch vòng 22kV và 02 mạch vòng 35kV; Lắp đặt 01 Recloser 35kV; 01 LBS 35kV; 04 biến điện áp cấp nguồn 1 pha 2 sứ 35/0,22kV; 1,548km cáp quang; 01 Switch quang tập trung; 02 bộ thiết bị đầu cuối cáp quang. Để đảm bảo tiến trình hiện đại hóa lưới điện thông minh theo lộ trình số hóa ngành Điện đến năm 2025, các thiết bị trạm cắt được lắp đặt trên cột bê tông ly tâm có sẵn; Cài đặt cấu hình tự động các thiết bị trên lưới cho các mạch vòng trung áp nhằm tự động hóa lưới điện theo phương pháp đa chia - đa nối (MDMC); Kết nối các thiết bị đóng cắt trung thế xây dựng và phát triển hệ thống theo mô hình tập trung.
Anh Đỗ Văn Hào, điều độ viên Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Điện Biên chia sẻ: Người vận hành có đầy đủ dữ liệu thông tin cần thiết để vận hành lưới điện hiệu quả hơn. Sau khi áp dụng ứng dụng DMS, việc đưa ra phương án vận hành tối ưu đã hỗ trợ hiệu quả các điều độ viên nhanh chóng cách ly phân đoạn vùng bị sự cố và tự động cấp điện trở lại cho các phân đoạn không bị sự cố. Ứng dụng camera nhiệt góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tăng năng suất lao động và đảm bảo nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng trên địa bàn quản lý
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Điện Biên đã thực hiện kiểm tra các chức năng của ứng dụng DMS trên phần mềm hệ thống SP5, chạy thực tế 04 mạch vòng DMS và hoạt động tin cậy. Dự kiến đầu tháng 10/2023 hoàn thiện và đưa vào vận hành 03 mạch DMS lộ 471E21.2 Điện Biên - lộ 473E21.6; lộ 377E21.2 Điện Biên - lộ 375E21.6 Điện Biên 2; lộ 375E21.2 Điện Biên - 375E21.7 Mường Chà. Với chủ trương xây dựng lưới điện thông minh và hướng tới mục tiêu chuyển đổi số. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục triển khai tại các đường dây trung áp còn lại, góp phần nâng cao năng suất và độ tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện, đặc biệt trong đảm bảo cấp điện cho Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.