dd/mm/yyyy

Nông dân Sơn La phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nhiều nông dân Sơn La ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng thị trường, nâng cao thu nhập...


Clip: Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nông dân có thu nhập cao từ ứng dụng khoa học, công nghệ vào canh tác

Phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động và chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) được thành lập từ đầu năm 2017. Hiện nay, hợp tác xã có 56 ha cây ăn quả các loại; trong đó, chủ lực là cây nhãn với 36 ha, chiếm 64% tổng diện tích, năng xuất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm, doanh thu ước đạt trên 8 tỷ đồng.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) tập chung ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết: Từ năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm từ hương vị, màu sắc đến cảm quan, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được thị trường và các doanh nghiệp như: Big C Thăng Long, VinMAX…đón nhận, ngoài ra còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

"Trước đây long nhãn sấy khô bằng lò sấy than thủ công, một ngày chỉ làm được 50 cân đến 1 tạ. Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày lên tới 5 đến 6 tạ. Do đó, hàng năm, hợp tác xã luôn duy trì sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 30 tấn long nhãn, tương đương 200 tấn quả nhãn tươi, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn trong tiêu thụ quả nhãn tươi tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho 200 lao động nông nhàn với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng", ông Phúc nói.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 4.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) duy trì cung ứng ra thị trường trên 30 tấn long nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La), thông tin: Cây nhãn tại huyện Sông Mã từng bước khẳng định được vị thế, nhiều gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng nhãn. Đến nay, huyện được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích trên 570ha, trong đó, 9 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 16 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand. Sản lượng quả nhãn tươi toàn huyện năm 2022 ước đạt khoảng 60.000 tấn, trong đó dự kiến 40.000 tấn chế biến thành long nhãn.

Triển khai Quyết định 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Sơn La đã hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp, 6 HTX, 571 hộ dân 6 công ten nơ lạnh, 3 kho lạnh và 603 lò sấy hơi nhiệt với tổng giá trị 22,23 tỷ đồng, nâng tổng số cơ sở chế biến long nhãn toàn huyện lên 2.910 lò sấy với công suất từ 2.000-3000 tấn quả tươi/ngày, giá trị chế biến sản phẩm nhãn ước đạt gần 1.000 tỷ đồng. Để sản phẩm long nhãn đạt chất lượng tốt hơn, huyện Sông Mã đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm long nhãn Sông Mã cùng với quả tươi. Đặc biệt là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm long nhãn thông qua việc hỗ trợ công nghệ sấy, làm long nhãn sạch và việc đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn của các HTX. Qua đó, đưa sản phẩm long nhãn có chất lượng cao tới tay người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 5.

Sông Mã, một trong những huyện có sản lượng long nhãn lớn của tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Trai, huyện Mường La (Sơn La) hiện có 26 lồng cá, chủ yếu các loại cá như: Chám, rô phi, cá tầm, chép… mỗi năm cho sản lượng khoảng trên 10 tấn. Mặc dù sản phẩm cá tươi của HTX đã được người tiêu thụ ưa chuộng, có hợp đồng tiêu thu với các doanh nghiệp, của hàng nông sản sạch. Tuy nhiên trang thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, chính vì vậy việc tiêu thu con gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, HTX được Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến thuỷ sản, qua đó HTX đa dạng được các sản phẩm được chế biến từ cá, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của HTX làm ra có hiệu quả.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 6.

Nhờ phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, thành viên HTX Nông nghiệp Mường Trai, huyện Mường La (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Văn Thanh, phó giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Trai, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Dự án xây dựng mô hình chế biến thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La được xây dựng tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Gồm: Máy đánh vảy cá; Máy tách xương cá; Máy xay; Tủ hấp; Bếp chiên công nghiệp; Máy tạo viên cối đồng; Máy hút chân không, đóng gói công nghiệp. Với tổng mức đầu tư 250 triệu đồng. Việc ứng dụng các máy móc, trang thiết bị nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La, tạo việc làm cho lao động dôi dư, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.

"Việc xây dựng mô hình chế biến thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La, nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu tại địa phương trong mọi thời điểm, thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La, tạo việc làm cho lao động dôi dư, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận. Tạo bước phát triển mới, trở thành điểm sáng thúc đẩy các đơn vị sản xuất chế biến thủy sản trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu", ông Thành nói.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 7.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 8.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Trai được Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến thuỷ sản, qua đó HTX đa dạng được các sản phẩm được chế biến từ cá. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao

Toàn tỉnh Sơn La đã được cấp 220 mã số vùng trồng, diện tích hơn 4.840 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 125 mã, hơn 4.070 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Mỹ 47 mã, diện tích hơn 412 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand 48 mã, diện tích hơn 385 ha.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 9.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 10.

Trong những năm tới, tỉnh Sơn La hướng tới trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Tây Bắc. Ảnh: Văn Ngọc

Có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: 3 chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn của huyện Yên Châu; cà phê Sơn La); 18 nhãn hiệu chứng nhận (chè Ôlong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; táo Sơn Tra; bơ Mộc Châu; na Mai Sơn; chè Phổng Lái (Thuận Châu); nếp Mường Và (Sốp Cộp), bơ Sơn La, nhãn Sơn La, xoài Sơn La, cá Sông Đà, cá tầm Sơn La, rau an toàn Sơn La, chanh leo Sơn La, mận Sơn La); 3 nhãn hiệu tập thể (Mật ong Sơn La; chè Tà Xùa Bắc Yên; khoai sọ Thuận Châu); trong đó, có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài là chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.

Hiện nay tỉnh Sơn La có 83 sản phẩm OCOP; trong đó: có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm 4 sao và 51 sản phẩm 3 sao. Tiêu biểu như sản phẩm cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê; cá Tép dầu; chè Trọng Nguyên; mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; trà xanh mây; hồng giòn sấy dẻo; ống hút tre Bình Minh; gạo nếp tan Ngọc Chiến; ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát; trà Sencha; ngọc trai Queenpearl.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 11.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 12.

Hiện nay tỉnh Sơn La có 83 sản phẩm OCOP; trong đó: có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR....

Toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản; trong đó, 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu chè, tinh bột sắn, cà phê, tơ tằm, chanh leo, mủ cao su, rau, quả. 702 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Có gần 100 doanh nghiệp, HTX cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh Qr-Code bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 13.

Nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 14.

Sơn La có nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản hoạt động có hiệu quả. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Sơn La tập trung đầu tư nguồn nhân lực có trình độ; hoàn thành các dự án khu ứng dụng công nghệ đảm bảo cơ sở hạ tầng nghiên cứu và nhân lực để triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu. Đào tạo hội viên nông dân làm chủ các công nghệ tiên tiến, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Với mục tiêu và giải pháp đồng bộ, các sản phẩm nông nghiệp của hội viên nông dân tiếp tục phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

"Hội Nông dân các cấp phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức  hàng trăm buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật hội viên, nông dân về trồng trọt, chăn nuôi. Hội Nông dân còn phối hợp đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Chủ động liên kết, phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ về vốn, vật tư, máy móc nông nghiệp theo phương thức trả chậm, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, chính sách ưu đãi hoặc tín chấp vay ngân hàng, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, giúp nông dân phát triển sản xuất", ông Hiếu nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh