dd/mm/yyyy

Đa dạng cách làm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế

Hội Nông dân Sơn La đã tập trung đổi mới, nâng cao các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân, góp phần giúp các nông hộ ngày càng làm ăn khấm khá.

Clip: Đa dạng cách làm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế

Nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất

Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hội thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc cây ăn quả. Chủ động liên kết, phối hợp với các đơn vị cung ứng phân bón, giống cây trồng. Làm tốt vai trò cầu nối giữa ngân hàng với hội viên, nông dân, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ có vốn, kiến thức, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Đa dạng cách làm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đẩy mạnh tư vẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào canh tác nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Chiềng Cọ là một trong những xã thuần nông của thành phố Sơn La (Sơn La). Người dân nơi đây chủ yếu là canh tác cây cà phê, làm lúa nước và đặc biệt là trồng cây mận hậu. Từ cây mận hậu, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mạnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, cây mận hậu trồng ở xã Chiềng Cọ từ hơn chục năm về trước, nhiều vườn mận hậu đã bị thoái hóa, dẫn đến năng suất cũng như chất lượng ngày càng giảm. Để cây mận hậu thực sự đem lại thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là cải tạo chất lượng cũng như năng suất vườn mận, Hội Nông dân đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cải tạo vườn tạp, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, nhờ vậy, đến nay các vườn mận hậu trên địa bàn xã đã phát triển đều, cho năng suất, cũng như chất lượng quả cao.

Hội viên nông dân Lèo Thị Biên, bản Dầu, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: Được tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, tôi đã nắm bắt được cách cắt tỉa, bón phân cho vườn mận hậu của gia đình. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, vườn mậu hậu của gia đình trồng xen với nương cà phê, mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm nào vườn mận của gia đình cũng được mùa, gia đình phấn khởi lắm.

Đa dạng cách làm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Gia đình hội viên nông dân Lèo Thị Biên, bản Dầu, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định nhờ nắm bắt được các KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Để nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh phát sinh tăng 4.261,5 triệu đồng, đạt 106,5% chỉ tiêu kế hoạch giao, trong đó: nguồn ngân sách tỉnh cấp là 1.500 triệu đồng; nguồn ngân sách huyện, thành phố cấp 2.200 triệu đồng; nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và cán bộ, hội viên nông dân đóng góp 561,5 triệu đồng. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn tỉnh đạt 72.232,05 triệu đồng, đầu tư cho 244 dự án, 1.953 hộ vay, với số tiền 68.122,7 triệu đồng.

Đa dạng cách làm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Từ các nguồn quỹ hộ trợ nông dân, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với Chi nhánh NHCSXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến người dân các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Triển khai thực hiện tốt 06 công đoạn ủy thác đã ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội; tập trung đôn đốc thu hồi nợ gốc, lãi; thu nợ quá hạn; thẩm định đối với các dự án vay mới và định kỳ giao ban với ngân hàng. Tính đến thời điểm báo cáo tổng dư nợ thông qua tổ chức Hội Nông dân quản lý là: 1.566.921,3 triệu đồng. Tổng số Tổ TK&VV thành lập và quản lý: 1.022 tổ; Số tổ được ủy nhiệm thu lãi: 1.022 tổ; Số thành viên tham gia Tổ TK&VV: 34.704 thành viên; Huy động tiết kiệm tự nguyện: 95.816 triệu đồng.

Phối hợp với Bưu điện tỉnh tiến hành điều tra nắm chắc sản lượng và giá nông sản của địa phương. Đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ, đến nay đã tiêu thụ qua sàn điện tử được hơn 500 tấn xoài, mận đến các tỉnh thành phố khác trong nước. Các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 196 buổi tuyên truyền, cho 1.062 lượt người tham dự. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của các cấp Hội đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân.

Đa dạng cách làm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Nhờ những hỗ trợ của các cấp hội nông dân về KHKT, giống, phân bón, vốn, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn Sơn La đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian tới, Hội nông dân tỉnh Sơn La tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với bảo vệ môi trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông báo tuyển sinh và tổ chức mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2023 theo kế hoạch đã đề ra.; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản; triển khai các mô hình nông nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ nông dân.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh