dd/mm/yyyy

Nhu cầu yếu từ Trung Quốc cùng nguồn cung cải thiện gây áp lực lên thị trường cao su

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay giảm nhẹ theo đà suy yếu của giá cao su tổng hợp, cùng với sự hỗ trợ từ giá dầu thô tăng và đồng Yên sụt giảm.

Giá cao su kỳ hạn đồng loạt giảm

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa giảm 0,8 JPY, tương đương 0,25% chốt ở 318,8 JPY (1,97 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 40 CNY, tương đương 0,27% chốt ở 14.605 CNY (2.007,48 USD)/tấn. Cũng trên sàn giao dịch SHFE này, hợp đồng cao su tổng hợp butadiene (SBR) giao kỳ hạn tháng 8/2024 giảm 215 CNY, tương đương 1,44% chốt ở 14.745 CNY (2.026,72 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 161,8 US cent/kg, giảm 0,8%.

Đồng USD tăng 0,07% so với đồng Yên, hồi phục từ mức thấp nhất ba tuần, giao dịch ở mức 161,41 JPY đổi 1 USD. Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên phải chăng hơn với các khách hàng nước ngoài.

Thị trường cao su ở các nước xuất khẩu lớn bị áp lực bởi nhu cầu yếu từ Trung Quốc kéo dài cùng nguồn cung cải thiện, trong khi nhu cầu phục hồi trở lại từ Mỹ và EU đang góp phần hỗ trợ.

Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Đầu phiên giao dịch châu Á, giá dầu hồi phục sau ba phiên giảm, khi báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm trong tuần trước, cho thấy nhu cầu ổn định trở lại và triển vọng cắt giảm lãi suất được cải thiện.

Nhu cầu yếu từ Trung Quốc cùng nguồn cung cải thiện gây áp lực lên thị trường cao su- Ảnh 1.

Nhu cầu yếu từ Trung Quốc cùng nguồn cung cải thiện gây áp lực lên thị trường cao su

Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 84.467 tấn, trị giá 134,6 triệu USD, giảm 28% về lượng và 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 572.284 tấn, trị giá 859,4 triệu USD, giảm 2,4% về lượng nhưng vẫn tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 66,5% tổng khối lượng xuất khẩu, với 380.416 tấn, trị giá 547 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu sang thị trường này đã giảm 14% về lượng và giảm 9% về trị giá.

Tính riêng trong tháng 5, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 50.516 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ và đánh dấu sự sụt giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong các tháng tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh do lo ngại nhu cầu chững lại tại Trung Quốc, trong khi cao su của Việt Nam phần lớn được xuất khẩu sang thị trường này.

Đồng thời Cơ quan này cũng cho biết, nhu cầu cao su của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi doanh số bán ô tô có dấu hiệu chững lại. Mới đây, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc trong năm 2024 ở mức 7,35 triệu tấn, giảm so với mức đưa ra dự báo trước đó là 7,5 triệu tấn.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su Latex) của nước này trong tháng 5 chỉ đạt 485.000 tấn, giảm 20,9% so với tháng 5/2023.

Từ tháng 1 đến tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 2,8 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, giảm 16,6% so với gần 3,4 triệu tấn của cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực. Đó là kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết thị trường lớn khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Bỉ… đều tăng trưởng cao từ hai đến ba con số trong những tháng đầu năm nay.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,6% so với năm ngoái lên 14,54 triệu tấn. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia giảm 5,1%, Trung Quốc tăng 6,9%, Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam tăng 2,9%, Malaysia tăng 0,6% và các nước khác tăng 7,3%.

Trong khi đó, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3,2% lên 15,67 triệu tấn vào năm 2024. Trong đó, Trung Quốc tăng 5,5%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1%, Malaysia tăng 54,7%, Việt Nam tăng 6%, các nước khác giảm 3,8%. Với dự báo này, nhu cầu tiêu thụ cao su của thế giới sẽ vượt nguồn cung khoảng 1,13 triệu tấn trong năm nay.

P.V