Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 01/2025 JRUc6 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa tăng 1,4 JPY, tương đương 0,44% chốt ở 321,3 JPY (2,19 USD)/kg. Hợp đồng này đạt mức cao nhất trong ngày ở 323,6 JPY/kg, và cũng là mức cao nhất kể từ ngày 22/7.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 1/2025 SNRv1 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 220 CNY, tương đương 1,4% chốt ở 15.905 CNY (2.216,01 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2024 STFc1 trên sàn SICOM Singapore giao dịch ở 170,3 US cent/kg, tăng 0,8%.
Đồng Yên tăng 0,53% so với đồng USD, chốt mức 145,95 JPY đổi 1 USD. Đồng Yên hồi phục khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn với các khách hàng nước ngoài.
Hexun Futures cho biết, giá cao su tự nhiên tăng bất chấp xu hướng vĩ mô tiêu cực, do các khu vực sản xuất bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và dịch bệnh.
Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo mưa lớn ở thượng nguồn Thái Lan từ ngày 29/7 – 4/8, có thể gây lũ quét ở một số khu vực.
Theo nhà phân tích Jom Jacob tại What Next Rubber của Ấn Độ, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất chính không đạt kỳ vọng, triển vọng nhu cầu đang vượt xa kỳ vọng trước đó, thúc đẩy xu hướng tăng trên thị trường cao su thiên nhiên ở khắp châu Á.
Uber UBER.N và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD 002594.SZ đã công bố hợp tác lâu dài với mục tiêu đưa 100.000 xe điện mới vào nền tảng gọi xe trên toàn cầu. Doanh số bán ô tô có thể ảnh hưởng đến cường độ sản xuất ô tô, bao gồm việc sử dụng lốp làm từ cao su.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Đầu phiên giao dịch châu Á, giá dầu thô bật tăng trở lại từ mức thấp nhất trong nhiều tháng, sau khi dữ liệu cho thầy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn so với dự kiến, bất chấp những lo ngại về nhu cầu dầu yếu ở Trung Quốc.
Trong quý II/2024, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước của ta tăng theo xu hướng tăng của thị trường thế giới. Động lực chính giúp giá cao su trong nước tăng chủ yếu từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ hai quốc gia Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên giá giá mủ cao su nguyên liệu có xu hướng giảm trở lại kể từ cuối quý II/2024 đến nay do lo ngại nhu cầu của thị trường Trung Quốc chậm lại.
Trong tháng 7/2024, giá mủ chén và mủ nước tại các tỉnh, thành phố trên cả nước giảm so với tháng trước. Tại một số công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 345-390 đồng/TSC. Trong đó, Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua ở mức 375-385 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2024. Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ở mức 362-372 đồng/TSC, giảm 18-20 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2024. Công ty Cao su Phú Riềng thu mua mủ cao su nguyên liệu ở mức 345-390 đồng/TSC, giảm 5-15 đồng/TSC so với cuối tháng trước.
Trong quý II/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm do nhu cầu cao su chững lại tại Trung Quốc do tình hình kinh tế chưa khả quan. Điểm sáng của xuất khẩu cao su là giá tăng cao, mở ra triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cho ngành cao su Việt Nam. Thời gian tới, nhu cầu của Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự suy giảm của thị trường bất động sản, trong khi tâm lý tiêu dùng và kinh doanh cũng yếu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 311,55 nghìn tấn, trị giá 499,17 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với quý I/2024; So với quý II/2023 giảm 19,1% về lượng và giảm 3,8% về trị giá.