dd/mm/yyyy

Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc kéo giá cao su sụt giảm

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay tiếp tục giảm theo giá cao su tổng hợp cùng giá dầu thô. Thêm vào đó, dữ liệu kinh tế yếu kém từ nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá kỳ hạn giảm.

Giá cao su ngày 30/7: Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc đã kéo giá sụt giảm 

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 01/2025 JRUc6 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa giảm 2,3 JPY, tương đương 0,73% chốt ở 314 JPY (2,04 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 SNRv1 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 155 CNY, tương đương 1,08% chốt ở 14.200 CNY (1.954,74 USD)/tấn. Cũng trên sàn giao dịch SHFE này, hợp đồng cao su tổng hợp butadiene (SBR) SHBRv1 giao kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 330 CNY, tương đương 2,27% chốt ở 14.235 CNY/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 161,9 US cent/kg, giảm 1%.

Đồng Yên giảm 0,12% so với đồng USD, giao dịch ở mức 154,205 JPY đổi 1 USD, khi các nhà giao dịch chờ đợi một loạt các quyết định quan trọng của ngân hàng trung ương. Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên hợp lý hơn với các khách hàng nước ngoài.

Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Đầu phiên giao dịch châu Á, giá dầu tiếp tục giảm, do lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc và thị trường phớt lờ nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông.

Theo khảo sát, hoạt động nhà máy của Trung Quốc có thể giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, khiến kỳ vọng các quan chức sẽ tung ra thêm các biện pháp hỗ trợ khi cuộc khủng hoảng và tình trạng mất việc làm kéo dài đã cản trở đà tăng trưởng.

Ngành ô tô của Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến giá cả khốc liệt vì hơn 100 công ty sản xuất ra số lượng xe điện nhiều gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ hàng năm trong nước.

Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc kéo giá cao su sụt giảm- Ảnh 1.

Xuất khẩu cao su tăng gần gấp đôi trong tháng 6 

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 6, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 153,5 nghìn tấn, với trị giá 247 triệu USD, tăng 82% về lượng và tăng 83% về trị giá so với tháng 5.

Tuy nhiên so với tháng 6/2023 con số này vẫn giảm 15% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá, đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 726,65 nghìn tấn, trị giá trên 1,1 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá cao su xuất khẩu nửa đầu năm nay bình quân đạt 1.525 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 6, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 71% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 489,37 nghìn tấn cao su, trị giá 717,9 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,7 triệu tấn, đồng thời giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,5 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,2 triệu tấn cao su trong năm nay.

Không chỉ vậy, điều kiện khí hậu không thuận lợi, bệnh rụng lá và giá cao su tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất của nông dân trồng cao su.

P.V