dd/mm/yyyy

Ngược dòng đất "nóng" thuốc phiện, thành tỷ phú cam

Sau gần 12 năm chịu án vì xách thuê thuốc phiện, anh Vàng A Tráng, bản Hang Kia (Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình) về trồng cam ở Thung Mặn và trở thành tỷ phú...

Gặp người từng khốn đốn vì thuốc phiện

Chớm Đông đường vào Hang Kia mây mù phủ kín trời, kín đất. Bà con người Mông đã rục rịch, đưa ngô, đứa lúa về nhà chuẩn bị đón Tết. Bao đời bà con người Mông nơi đây sống dựa vào cây ngô, cây lúa nương. Dường như việc phát triển kinh tế ở xã vùng cao từng là thủ phủ của tội phạm ma túy và tái trồng cây thuốc phiện này là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi lẽ đất đai cằn cỗi, ngay cả nước sinh hoạt cho người dân cũng thiếu trầm trọng, chứ chưa nói gì đến nước cho sản xuất. Ấy vậy mà sống trong vùng đất khó, A Tráng là người đầu tiên đưa cây cam về trồng tại đất Thung Mặn. Sau 6 năm dày công vun trồng, vườn cam sai trĩu quả. Mỗi năm, A Tráng thu được vài tỷ đồng từ vườn cam, trước sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây.

Hỏi thăm đường đến trang trại cam của A Tráng, bà con người Mông chỉ tận tình. Men theo con đường bê tông rộng rãi, xe chạy bon bon vượt qua triền núi đá dốc dựng đứng dẫn chúng tôi tới Thung Mặn. Chưa bao giờ, việc di chuyển đến các bản ở xã Hang Kia lại dễ dàng như thế này. Vườn cam của A Tráng hiện lên giữa bốn bề mây núi. Cái màu xanh mượt mà của cây cam như thổi thêm sức sống mạnh mẽ cho vùng đất vốn quá khô cằn này. Xung quanh bà con trồng ngô, trồng sắn, A Tráng lại trồng cam. Một việc mà nhiều bà con người Mông cho là "vác đá ngược núi".

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 1.

Vườn cam đẹp như tranh vẽ của anh Vàng A Tráng. Thung Mặn trước đây trồng bạt ngàn cây thuốc phiện. Anh Tráng đã mạnh dạn đưa cây có múi về trồng tại đây. Nó mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con người Mông.

Hôm chúng tôi đến thăm trang trại, A Tráng đang cắt cam bán. Ô tô tải đỗ tận đầu vườn chở cam. Hơn 40 người – đều là bà con người Mông đến làm cho A Tráng. Từng thùng cam vàng óng, bóng mượt được chị em phụ nữ gùi ra điểm tập kết. Không khí lao động thật khẩn trương và lạ lẫm. Bởi lẽ bao đời bà con người Mông sống ở đất này, chưa từng nghĩ có một ngày, ô tô vào tận bản chở cam. A Tráng tay cầm chiếc điện thoại di động đời mới ngồi nhàn nhã bên chiếc lán của gia đình. Trái với hình dung của tôi, A Tráng diện bộ trang phục văn phòng giống như một thầy giáo làng hơn là một nông dân đầu tắt mặt tối. A Tráng nhanh nhẹn, căt cử mọi việc trong vườn cam tựa như một "giám đốc" điều hành. Từng thùng cam được đóng gọn gang và đưa lên xe đâu vào đấy.

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 2.

Anh Vàng A Trang đã trồng được 1 vạn cây cam tại Thung Mặn. Anh thuê đất của bà con người Mông trong 10 năm để trồng cam. Dự năm nay anh Tráng thu được tiền tỷ từ vườn cam.

A Tráng chỉ cần ghi tổng số mã cân, rồi khách mua chuyển trả tiền qua tài khoản thế là xong. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, A Tráng dẫn tôi đi thăm vườn. Từng hàng cam khỏe khoắn, xanh tốt, cây nào cũng sai trĩu quả. Trong khi các vườn cam ở vựa cam Cao Phong đang lụi tàn, lơ thơ quả, vườn cam của A Tráng sai gãy cả cành. Ở mỗi gốc cam, A Tráng còn phải chống cột và căng dây đỡ quả. Từ cam muộn đến giống cam lòng vàng, cam canh, cây nào cũng như được xếp quả. A Tráng đi thăm vườn cam, tâm tính của anh cũng khác hẳn. A Tráng hoạt bát và vui hơn: "Năm nay, tôi không dám xử lý cây mạnh mà quả vẫn quá nhiều. Đặc biệt là những cây cam canh, tôi phải mất rất nhiều công để chống và níu quả bằng dây mới giữ được cây. Không ngờ chúng lại sai quả đến vậy".

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 3.

Anh Tráng trồng được 7000 cây cam canh. Hiện giá bán cam canh tại vườn là 45.000đ/1kg. Một ha cam của anh Trang cho thu nhập cao gấp 50 lần so với bà con trồng ngô.

Quả như lời của A Tráng, từng cây cam canh như được xếp quả lên cây vậy. Từng chùm quả vàng óng phơi mình trong nắng sớm nom thật đẹp mắt. Trong vườn của A Tráng, cây cam nào cũng khỏe khoắn. Lá xanh dày, gốc cây vững vàng vươn mình trong thung lũng. A Tráng bảo, đi cả nửa buổi mới thăm hết vườn cây. Hiện A Tráng trồng được 1 vạn cây cam, phủ kín 13ha đất – một con số kỷ lục ở đất này, chưa có ai làm được. Trong đó có 7 nghìn cây cam canh, còn lại là các giống cam khác như Valencia (cam V2), cam lòng vàng và cam ruột đỏ Cara. Vừa đi thăm vườn, A Tráng vừa tự hào khoe: "Riêng giống cam canh trồng ở đất này cho chất lượng và đạt sản lượng cao nhất tỉnh Hòa Bình. Hiện tôi đang bán cam canh với giá 45.000đ/1kg tại vườn. Thương lái đến tranh nhau mua mà tôi không có đủ hàng để bán".

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 4.

Cây cam được anh Tráng đưa về bản Mông. Nó phát triển tốt và cho thu nhập cao.

Những năm gần đây, nông dân ở khắp cả nước đang điêu đứng vì cây có múi vì dịch bệnh và giá bán nông sản xuống thấp, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng cao. Dường như tình hình bất ổn chung này không ảnh hưởng gì đến vườn cam của A Tráng.  Người đàn ông người Mông  là tỷ phú đầu tiên của đất Hang Kia này lại có cách nghĩ và cách làm sáng tạo. Dự kiến năm nay, 1 vạn cây cam của A Tráng mang lại khoảng 5 tỷ đồng.

Chia tay thuốc phiện, lội ngược dòng thành tỷ phú

Nhà A Tráng ở bản Hang Kia, xã Hang Kia có rất ít đất sản xuất. Bao đời người Mông sống ở đó quanh quẩn với việc lo cái ăn, nhà nào không bị đói đã là một sự thành công lắm rồi. Gia đình A Tráng cũng vậy,  vừa thu vụ nay đã lo vụ tới. Cái đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Nhà A Tráng lại đông anh em, đất sản xuất đã ít, bố mẹ chia cho mỗi người chẳng được bao nhiêu. Người ngày một đông, trong khi đất sản xuất rất eo hẹp khiến A Tráng phải tìm ra giống cây gì đó đưa về đất Hang Kia.

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 5.

Vườn cam của anh Tráng đang cho thu hoạch ổn định. Việc trồng cây có múi ở Hang Kia là cách làm hoàn toàn mới.

Ở Hang Kia có bản Thung Mặn có nhiều đất sản xuất. Bản này nằm ở vùng thấp nên khí hậu tương đối ôn hòa, chứ không lạnh ngắt như ở bản Hang Kia. Mỗi lần xuống nơi này tìm trâu, bò, A Tráng nhìn vùng đất thẳng cánh cò bay mà thầm tiếc rẻ. Bởi lẽ từ khi xóa bỏ cây thuốc phiện, bà con người Mông chỉ loay hoay với cây ngô, cây sắn. Một số hộ dân có trồng bưởi và cây cam xanh bản địa. Điều lạ là cây nào cũng cho sai quả. "Tôi vào chơi, bà con hái cam mời ăn. Cam ăn rất ngọt và thơm. Tôi như tỉnh người, tại sao mình không đưa cây cam về đây trồng".

Nghĩ là A Tráng bắt tay vào làm. Anh không có đất, anh liền bàn với các hộ dân thuê lại đất để trồng cam. Để thuyết phục bà con cho mình thuê đất, A Tráng đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn. Bà con làm ngô, hàng năm thu được bao nhiêu tiền trên 1ha, A Tráng sẵn sàng trả từng đó. Cụ thể là bà con không cần làm, giờ chỉ cần cho A Tráng thuê đất mà thu nhập vẫn đảm bảo.

Việc đơn giản là thế mà A Tráng cũng phải mất thời gian dài mới thuyết phục được bà con người Mông ở Thung Mặn cho thuê đất. Biết được kế hoạch đưa cây cam vào Thung Mặn trồng, từ gia đình đến bà con người Mông ở Hang Kia đều cho A Tráng "đầu óc có vấn đề". Cây có thể trồng được, nhưng lấy nước ở đâu để tưới cây lại là việc nan giải. Nước uống cho người ở Thung Mặn còn thiếu trầm trọng, nữa là nước tưới cây. A Tráng lại nghĩ khác, anh kì công khảo sát, tìm nguồn nước ở tận dãy núi Pha Luông thuộc đất Sơn La. Có nước, A Tráng mua một lúc 6km đường ống để dẫn nước về tưới cây. Việc phi thường đó của A Tráng khiến ai cũng phải nể phục. Tuy nhiên, lấy nước từ khe, lúc có lúc không. Đặc biệt và tháng 3-4 hàng năm, cả vùng núi rộng lớn này trở lên khô cằn. Nước cho sinh hoạt bà con người Mông cũng phải chắt chiu từng giọt. Vườn cam của A Tráng có nguy cơ bị chết khô.

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 6.

Cây cam phát triển tốt ở Thung Mặn.

Dường như khó khăn đó không khiến A Tráng nản chí. Nước mặt không có, A Tráng tìm thợ về khoan nước ngầm. Ngày đầu đám thợ khoan giếng chở dụng cụ đến, chẳng ai tin A Tráng có thể tìm được nước ở tận núi cao. Trước đó, nhiều đoàn khảo sát của Nhà nước đã đến đây thăm dò, khoan chọc mãi mà chưa tìm được nước sinh hoạt cho bà con. Bỏ ngoài tai những lo lắng, nghi ngại, A Tráng vẫn quyết tâm tìm nước cho bằng được. Mũi khoan đầu tiên sâu cả trăm mét, vẫn không tìm được giọt nước nào. Rồi đến mũi khoan thứ hai, thứ ba, kết quả vẫn vậy. Các cụ già sống lâu năm ở Thung Mặn thương A Tráng đến vỗ vai và bảo: "Con đừng làm cái việc húc đầu vào đá nữa. Tìm nước ngầm ở đây còn khó hơn tìm vàng".

Suốt cả tuần liền, đám thợ khoan và A Tráng quần thảo nát cả thung lũng mà chưa tìm thấy nước. Nếu như việc tìm nước không thành, kế hoạch trồng cam của A Tráng sẽ thất bại hoàn toàn. A Tráng vẫn tiếp tục động viên đám thợ khoan tìm mạch nước. Thay vì khoan ở độ sâu 80 đến trăm mét, A Tráng yêu cầu thợ khoan, khoan sâu 120m. "Khi đám thợ khoan tới độ sâu 120m, nước bỗng dưng trào lên mũi khoan. Tôi đưa máy bơm thử cả ngày nước không cạn. Khi đó, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Mình đã tìm được vàng ở đất này", A Tráng nhớ lại.

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 7.

Anh Vàng A Tráng đã từng chịu án 18 năm tù vì tội vận chuyển thuốc phiện. Sau khi ra tù, anh Tráng đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ anh trở thành tỷ phú trồng cam đầu tiên ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Có giếng khoan, A Tráng tiếp tục vay mượn, xây cái bể rộng 500 khối để tích nước. A Tráng kéo điện 3 pha phục vụ cho việc tưới cho vườn cam. Những nỗ lực không biết mệt mỏi đó của A Tráng đã làm cho cây cam sống tươi tốt ở đất này. Vui hơn cả là cam trồng xuống 3 năm đã cho thu hoạch. Đất ở Thung Mặn có đủ nước tưới như làm cho cây cối hồi sinh và phát triển tốt hơn so với các vùng khác. Vườn cam của A Trang theo đó mà mở rộng dần, từ 1ha ban đầu, đến nay A Tráng đã trồng được 13ha cam. Vụ cam năm nay, số cây cho thu hoạch khoảng 5000 cây. Sang năm cả vạn cây cam cho thu, A Tráng sẽ thu được cả đống tiền. Đất không phụ công người, những cố gắng của A Tráng trong việc trồng cam đã "biến" anh thành tỷ phú người Mông đầu tiên ở đất Mai Châu.

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 8.

Trang trại cam của anh Tráng tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động là người địa phương.

Suốt 6 năm kiên trì và gây dựng, giờ A Tráng mới có thể ung dung ngồi hưởng thành quả. Nói về việc làm ăn, anh hăng say bao nhiêu, nhưng khi kể về cuộc đời mình, A Tráng lại rụt rè và có phần e ngại. Đưa đôi mắt buồn thẳm hướng về phía đỉnh Pha Luông xa mờ, A Tráng nhớ lại quãng thời gian đầy khổ cực của đời mình. Cách đây 30 năm, cả đất Thung Mặn được phủ kín bởi cây thuốc phiện. Người Mông sống nhờ vào cây thuốc phiện. Nhiều chàng trai người Mông, trong đó có A Tráng coi việc xách thuê thuốc phiện cho những đầu nậu là cách kiếm cơm hàng ngày. Trong 1 lần xách thuê 3,5kg thuốc phiện lên Lào Cai cho một người ở Hà Nội, A Tráng đã bị bắt. Anh bị tòa xử 18 năm tù và chịu án tại Tuyên Quang.

Những ngày trong tù là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời A Tráng. "Tiếc nhất là quãng đời trai trẻ trôi qua trong vô vọng. Những lúc đó, tôi lại động viên mình, cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về với bản làng", A Tráng buồn rầu nói. Sau hơn 11 năm cải tạo tốt trong tù, A Tráng đã được ân xá ra tù trước hạn. Ngày trở về quê hương, A Tráng chẳng còn gì. Vợ con nheo nhóc, bản làng heo hắt. Rừng bị tàn phá, đất đai cho sản xuất thiếu thốn. A Tráng phải vất vả lắm mới giúp gia đình không bị đói. Chỉ đến khi anh mạnh dạn vay tiền tỷ đầu tư trồng vườn cam ở Thung Mặn. Từ đây cuộc đời anh bước sang trang mới.  

Tỷ phú nơi đất "nóng" Hang Kia  - Ảnh 9.

Anh Tráng đã vượt qua mặc cảm tội lỗi để vươn lên trong cuộc sống.

A Tráng trở về quê đã từ bỏ được con đường tối và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống đã giúp anh thành công. Việc làm của A Tráng đã đánh thức được tiềm năng của cả một vùng đất rộng lớn. Mỗi năm, trang trại của anh tạo việc làm cho 11 lao động thường xuyên, và 40-50 lao động thời vụ. Vui hơn cả là anh là người Mông đầu tiên ở đất này dám đưa cây có múi về trồng và làm giàu từ nó. Những nỗ lực, cố gắng trong đời sống của A Tráng thật đáng khích lệ và trân trọng.


Xuân Tuấn