Nuôi giống gà quý, làm homestay, chàng trai người Mông thu gần nửa tỷ/năm nơi cổng trời miền Tây Nghệ An

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ năm, ngày 29/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Mạnh dạn trong cách nghĩ, đổi mới cách làm, anh Vừ Tồng Pó (dân tộc Mông, Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã nuôi giống gà đen theo mô hình an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm nơi cổng trời xứ Nghệ anh thu về gần nửa tỷ đồng.
Bình luận 0

Cơ hội có 1 không 2

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi được ví như cổng trời của xứ Nghệ. Đời sống người dân nơi đây vẫn còn khó khăn, kinh tế của các gia đình bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy là chính. 

Không chịu cái cảnh nghèo, chàng trai người mông Vừ Tổng Pó (SN 1970, trú tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) quyết tâm phải làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình. Nghĩ là làm, anh bắt đầu với việc chăn nuôi giống gà đen một giống gà quý của đồng bào người Mông.

Bắt giống gà quý của người Mông sống an toàn sinh học, mỗi năm thu gần nửa tỷ đồng nơi cổng trời xứ Nghệ - Ảnh 1.

Mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống máy ấp trứng, máy phát điện, hiện anh Pó đã cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Ph.Th.

Gà đen có đặc điểm chân 5 móng, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà hiện nay, được thị trường ưa chuộng, trở thành món đặc sản trong ẩm thực của người tiêu dùng. Đặc biệt, gà đen bản địa còn là một dược liệu quý giúp tăng cường sinh lực, kết hợp với thuốc nam để chữa nhiều bệnh được người dân địa phương thường xuyên sử dụng theo phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên, dù siêng năng cần cù, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho đàn gà, nhưng chăn nuôi sản xuất theo hướng truyền thống, rủi ro do dịch bệnh, nhiều lần anh Pó cũng đã thất bại, nên cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình.

Bắt giống gà quý của người Mông sống an toàn sinh học, mỗi năm thu gần nửa tỷ đồng nơi cổng trời xứ Nghệ - Ảnh 2.

Gà đen có hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà hiện nay, được thị trường ưa chuộng, trở thành món đặc sản trong ẩm thực của người tiêu dùng. Ảnh: Ng.T

Thay đổi thực sự diễn ra khi vào năm 2018, anh Vừ Tổng Pó được tham gia dự án "Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học" do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức. 

Nắm được cơ hội "có 1 không 2", anh Vừ Tồng Pó không bỏ lỡ bất kỳ một giờ nào trong lớp tập huấn, cố gắng nắm vững các kiến thức, tìm hiểu thêm các tài liệu về kỹ thuật. Khó ở đâu anh đều nhờ tư vấn ngay để hiểu và nắm chắc các quy trình kỹ thuật, phương pháp phòng dịch bệnh.

Thành công từ giống gà quý

Từ những kiến thức đã được tập huấn, anh bắt đầu chăm sóc đàn gà giống của mình. Đàn gà đen phát triển tốt, nhân rộng mô hình từ con số ban đầu là 350 con lên 1.200 con trên diện tích 500 m2. Giống gà đen quý sống theo mô hình an toàn sinh học đã phát triển rất tốt, ít dịch bệnh, tăng trọng đều, nuôi đến đâu bán sạch đến đó.

Bắt giống gà quý của người Mông sống an toàn sinh học, mỗi năm thu gần nửa tỷ đồng nơi cổng trời xứ Nghệ - Ảnh 3.

Nhờ được tập huấn kỹ thuật, hiện đàn gà đen của anh Vừ Tổng Pó phát triển rất tốt, ít dịch bệnh. Ảnh: Ph.Th

Nhận thấy, nhu cầu của thị trường về giống gà đen bản địa, anh Vừ Tổng Pó đã vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy ấp trứng, máy phát điện tạo cơ sở cung cấp giống cho toàn huyện. 

Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình ông cung cấp hàng nghìn con gà giống cho thị trường góp phần nâng thu nhập từ chăn nuôi gà đen lên trung bình 350 triệu đồng/năm.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Vừ Tồng Pó còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình trong địa phương phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học. 

Anh là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Kỳ Sơn, góp phần phát triển, tập hợp các hộ chăn nuôi gà đen thành Chi hội chăn nuôi gà đen Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên tham gia, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con.

Bắt giống gà quý của người Mông sống an toàn sinh học, mỗi năm thu gần nửa tỷ đồng nơi cổng trời xứ Nghệ - Ảnh 4.

Từ thành công của anh Vừ Tổng Pó, hiện nhiều gia đình tại huyện Kỳ Sơn đã áp dụng mô hình nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ng.T

Phát huy điều kiện lợi thế của địa phương, gia đình anh Vừ Tồng Pó còn phát triển kinh tế trang trại, trồng hơn 2 ha cỏ voi, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng. 

Đặc biệt năm 2021, được tham gia các lớp tập huấn của dự án "Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19", gia đình anh đã tiên phong xây dựng mô hình homestay gắn với phát triển vườn đào mận, phục vụ và thu hút khách du lịch.

Khách du lịch đến nơi đây, ngoài việc được thưởng thức ẩm thực từ gà đen, trải nghiệm làm bánh Mông cùng với những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mông vì thế Homestay Vừ Tồng Pó ở Mường Lống là địa chỉ được nhiều du khách tìm đến. Nhờ đó, mỗi tháng gia đình ông lại có thu nhập thêm từ 5 đến 10 triệu đồng từ các dịch vụ du lịch.

Bắt giống gà quý của người Mông sống an toàn sinh học, mỗi năm thu gần nửa tỷ đồng nơi cổng trời xứ Nghệ - Ảnh 5.

Homestay Vừ Tổng Pó nơi cổng trời xứ Nghệ được nhiều khách du lịch ghé thăm. Ảnh: Ph.Th

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Vừ Tồng Pó còn tích cực trong mọi hoạt động, phong trào của bản, của xã. Với mô hình kinh tế và tấm lòng vì cộng đồng của mình, ông đã được các cấp, các ngành ở địa phương ghi nhận và được người dân trong bản, trong vùng tin yêu. Đặc biệt năm 2021 anh được tôn vinh là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2022, anh được công nhận đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp toàn quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem