Trở lại Mường Khiêng lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất nơi đây. Những đồi trồng ngô, sắn trước đây đã và đang phủ kín bởi sắc xanh của các loại cây ăn quả, cỏ voi…
Người nông dân Mường Khiêng trồng trọt, chăn nuôi tự cung tự cấp ngày nào, giờ đã trở thành những con người mới. Họ biết trồng nhãn ghép, xoài Đài Loan không những để tiêu thụ trong nước mà còn để xuất khẩu; chăn nuôi chuyển từ phương thức thả rông sang nuôi nhốt gia súc và di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn…
Theo tìm hiểu, để có được kết quả đó, trong khoảng 5 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền xã Mường Khiêng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác.
Theo đó, xã Mường Khiêng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Thuận Châu tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng", đảm bảo sản xuất an toàn.
Đồng thời, lồng ghép các chương trình dự án: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư phục vụ sản xuất cho người dân; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; khuyến khích các hộ dân tham gia thành lập HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, xã Mường Khiêng hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã đã chuyển đổi hơn 380 ha đất nương trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, như: Nhãn, xoài Đài Loan, tập trung tại các bản: Pồng, Bó Phúc, Bon, Kềm, Sào Và, Huổi Bản… trong đó, gần 200 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 200 tấn quả/năm.
Trong chăn nuôi, xã Mường Khiêng có hơn 4.000 con trâu, bò; trên 1.000 con lợn; hơn 3.000 con dê và trên 32.000 con gia cầm các loại. Ngoài ra, tận dụng 5.000m2 mặt nước lòng hồ Thuỷ điện Sơn La để nuôi 51 lồng cá.
Là một trong những hộ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh Lò Văn Nhân, bản Bó Phúc, cho biết: Hiện, gia đình tôi nuôi trên 30 con lợn thịt, 5 con bò. Trung bình mỗi năm, gia đình có nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Nhân trồng 1 ha xoài Đài Loan, táo đại, nhãn. Nhờ đó, đã giúp gia đình anh Nhân có thêm thu nhập từ trồng cây ăn quả.
Anh Quàng Văn Toan, bản Bon, chia sẻ: Năm 2017, được sự vận động của chính quyền xã, gia đình tôi đã chuyển đổi khoảng 4 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng xoài, nhãn. Để có thêm kỹ thuật chăm sóc và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tôi tham gia HTX Bản Bo. Trong quá trình chăm sóc, gia đình đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình theo tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn. Quá trình bón phân, phun thuốc được ghi chép tỉ mỉ, chi tiết về thời gian và liều lượng nên diện tích cây ăn quả phát triển tốt, không bị sâu bệnh.
Theo anh Toan, đến nay, hơn 2 ha xoài đã cho thu hoạch quả. Vụ xoài năm 2021, gia đình tôi thu 9 tấn quả, bán được gần 80 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng hơn 7.000 gốc cây bạch đàn, 1.500m2 cỏ voi, hơn 1 ha chuối tây để làm thức ăn phục vụ cho 10 con trâu, bò, dê. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình thu nhập thêm 50 triệu đồng từ chăn nuôi.
Trong thời gian tới, xã Mường Khiêng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây ăn quả, trồng rừng, trồng cỏ voi để phục vụ phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, khuyến khích người dân liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, hình thành vùng sản xuất tập trung, nhất là vùng trồng xoài phục vụ xuất khẩu của HTX bản Bo. Mặt khác, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, hỗ trợ trợ phát triển sản xuất cho người dân.