dd/mm/yyyy

Hiệu quả những đồng Quỹ hỗ trợ nông dân ở Thuận Châu

Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu.

Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Thuận Châu là một trong những nguồn tín dụng quan trọng giúp hội viên nông dân, đặc biệt là những hộ khó khăn về vốn sản xuất được tiếp cận nguồn vốn trong việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế, như: Nuôi bò, trồng cây ăn quả, trồng chè…

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: "Thời gian qua, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã được được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi… Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm".

Hiệu quả từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thuận Châu - Ảnh 1.

Từ nguồn Quỹ hỗ Trợ nông dân, hội viên nông dân xã Phỏng Lập đã mạnh dạn đầu tư trồng chè.

Bước sang tháng 5/2020, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã triển khai đầu tư xây dựng 46 dự án, cho 294 hộ nông dân vay với tổng số tiền 8,85 tỷ đồng. Trong đó, nguồn quỹ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện 4 dự án cho 51 hộ vay với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Nguồn vốn từ Hội Nông dân tỉnh Sơn La có 2 dự án cho 22 hộ vay với số tiền 1,1 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách của huyện Thuận Châu có 16 dự án cho 80 hộ vay với số tiền 1,6 tỷ đồng và nguồn vốn Hội Nông dân huyện Thuận Châu có 24 dự án cho 141 hộ vay với số tiền 2,85 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã chủ động tuyên truyền, phổ biến đến người dân các chính sách, tín dụng ưu đãi cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội Nông dân quản lý là hơn 152 tỷ đồng; huy động tiền gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 8,75 tỷ đồng.

Hiệu quả từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thuận Châu - Ảnh 2.

Có đồng vốn trong tay, nông dân Thuận Châu tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện thỏa thuận giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân huyện về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển "tam nông", Hội Nông dân huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu tuyên truyền, vận động tổ chức thành lập các Tổ vay vốn. Hiện, toàn huyện có 40 Tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý trải đều khắp trên 100% số xã với tổng dư nợ là hơn 132 tỷ đồng cho 1.689 hộ vay.

Trên cơ sở nhu cầu của các hộ dân tại xã Phỏng Lập, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã triển khai các chương trình vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho 804 lượt người vay vốn với số tiền trên 32 tỷ đồng. Thực hiện cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm hơn 255 tấn; ủy thác Quỹ Hỗ trợ nông dân 800 triệu đồng đầu tư cho nhân dân nuôi bò sinh sản tại các bản: Kẹ, Mầu Thái, Ban Lềm, Mầu Xá.

Hiệu quả từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thuận Châu - Ảnh 3.

Đầu tư nuôi bò sinh sản cũng là một trong những hướng đi trong phát triển kinh tế của người nông dân Thuận Châu.

Dẫn chúng tôi thăm quan mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Cà Văn Dẹn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phỏng Lập, cho biết: Đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp các hội viên, nông dân trên địa bàn xã được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước đổi mới tư duy làm ăn, người dân biết quản lý và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, bà con đã từng bước thoát được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất mình sinh ra.

Chia sẻ với phóng viên, nông dân Lường Văn Pương, bản Mầu Thái, xã Phỏng Lập, bảo: "Sau khi được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện Thuận Châu, gia đình tôi đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Tôi chăm sóc bò theo hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã, huyện đã tập huấn trước đó, cộng với nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, nên đàn bò đã phát triển tốt. Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn để tăng đàn, giúp gia đình từng bước nâng cao thu nhập".

Hiệu quả từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thuận Châu - Ảnh 4.

Diện tích trồng ngô, sắn cho hiệu quả kinh tế thấp đã được phủ xanh bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Chị Bạc Thị Thiên ở bản Quỳnh Châu, xã Phỏng Lái, tâm sự: "Gia đình tôi chuyển về tái định cư tại đây từ năm 2008, trước đây kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất. Qua đó, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, như: Bơ, xoài, nhãn, mận... Nhờ vậy, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 100 triệu đồng".

Có thể khẳng định, nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Thuận Châu có thêm điều kiện phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

PV Tây Bắc