dd/mm/yyyy

Mùa cà phê đắng ở Chiềng Cọ

Cả nghìn ha cà phê của bà con người dân tộc Thái ở xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La (Sơn La) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Giữa mùa ra hoa đậu quả mà lá cà phê héo úa. Nụ hoa bị "thối", giòn như chè khô.

Mới đầu hè trời thành phố Sơn La nắng như đổ lửa. Từng đợt gió nóng và khô thổi ràn rạt qua những nương cà phê của bà con người Thái. Bầu trời trong xanh, sâu thăm thẳm, không một gợn mây càng khiến bà con nông dân nơi đây rầu lòng. Những vườn cà phê đang lúc vào quả lại héo hon vì thiếu nước. Ngày nào vườn cà phê xanh mướt như mạ, nay từ nương cao tới vườn thấp, cây cà phê rụng lá, nhiều cây trơ trọi giữa trời.

Lo lắng mất vụ cà phê

Nhà ông Quàng Văn Bun, Trưởng bản Hùn, xã Chiềng Cọ nằm cạnh quốc lộ 6. Bên căn nhà sàn bề thế ông Bun đang đứng ngồi không yên vì vườn cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Vườn cà phê rộng 1ha của gia đình trồng sau nhà đang oằn mình chờ trời mưa. Ông Bun chia sẻ, những ngày đầu tôi còn tận dụng nguồn nước của nhà tưới cây còn tạm ổn. Nhưng mong mãi trời vẫn chưa mưa, đến giờ cũng chưa biết tìm nguồn nước ở đâu để cứu vườn.

Mùa cà phê đắng ở Chiềng Cọ- Ảnh 1.

Nhiều vườn cà phê của bà con nông dân người Thái ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới. Ảnh: Thuần Việt

Vườn cà phê vừa ra hoa được thời gian, hoa đã bắt đầu rụng cuống và đậu quả, nhưng với việc thiếu nước tưới, vườn cây khó mà đạt năng suất. Theo ông Bun, năm ngoái vườn cà phê cho thu được 12 tấn hạt, năm nay, ông dự đoán vụ này sản lượng sẽ giảm mạnh. Cả nhà đang nóng lòng như lửa đốt. Vườn cà phê của gia đình ông nằm dưới chân núi đá. Mỗi năm mang lại cho gia đình cả trăm triệu đồng. Từ đầu năm nay, trời ít mưa, ông đã huy động mọi nguồn lực để tưới nước cho vườn cà phê, với hy vọng khi trời mưa xuống vườn sẽ hồi sinh. "Nếu tình trạng này mà kéo dài, khả năng năm nay không có thu hoạch", ông Bun buồn rầu nói.

Bản Hôm là vựa cà phê của xã Chiềng Cọ. Bản có gần 400ha cà phê. Mỗi năm mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho bà con người Thái. Năm nay nhìn trời nóng bức mà bà con càng thêm phần lo lắng. Ông Bun dẫn tôi sang thăm một vườn khác ở mặt đường quốc lộ 6 của một hộ dân trong bản. Suốt những ngày qua, chủ vườn muốn đến vườn vì sự tàn lụi của cây cà phê. Cuối tháng ba vườn cà phê nở trắng. Khi cây chuyển sang giai đoạn đậu quả cần lượng nước nhiều nhất thì dính đúng giai đoạn khô hạn. "Vườn nào gia chủ tưới được nước còn có hy vọng, chứ những vườn không tưới được, hoa héo úa và khô giòn như chè khô", ông Bun cho biết thêm.

Mùa cà phê đắng ở Chiềng Cọ- Ảnh 2.

Ông Quàng Văn Bun, Trưởng bản Hùn, xã Chiềng Cọ lo lắng mất trắng vụ cà phê do hạn hán. Ảnh: Thuần Việt.

Những vườn cà phê của bà con người Thái nằm trải dài hai bên quốc lộ 6. Ngày nào còn xanh mơn mởn, nay hầu hết các vườn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Cả vạn cây trơ trọi, lá rụng nhiều còn mỗi thân cành đâm thẳng lên trời xanh tựa như vườn cây chết. Phía xa những nương đá xám ngắt, màu xanh của cây đã bị thay thế bởi màu héo úa. Còn nhớ vụ cà phê năm 2023, bà con đã bị ảnh hưởng bởi sương muối khiến nhiều cây bị chết. Năm nay thiên tai lại ập tới khiến bà con người Thái nơi đây thêm phần rầu lòng.

Gia đình anh Quàng Văn Dũng cũng ở bản Hùn cũng trồng 5000 gốc cà phê. Từ đường 6 vào nhà anh hai bên bạt ngàn cà phê. Chỉ có khác là vườn cây không còn sức sống. Cây gày khẳng khiu, cành lá đang chuyển màu héo, không có sức sống. Anh Dũng cũng chẳng buồn chăm vườn nữa vì anh biết rằng vườn cà phê năm nay coi như bỏ. "Nước cho sinh hoạt còn thiếu thốn, thì lấy nước ở đâu tưới cho vườn", anh Dũng buồn rầu nói.

Mùa cà phê đắng ở Chiềng Cọ- Ảnh 3.

Cà phê mất mùa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nơi đây. Ảnh: Thuần Việt

Xung quanh ngôi nhà sàn của gia đình anh được phủ kín bởi cây cà phê. Mọi năm, vào mùa hoa là anh chăm sóc cây rất tốt. Riêng năm nay, do hạn hán nên vườn cây khô không khốc. Lá rụng nhiều rơi trên mặt đất ken dày. Vào thăm vườn nghe tiếng lá ròn tán dưới đế giày mà anh Dũng thêm phân xót xa: "Nếu trời không mưa, tôi e rồi cây cà phê cũng bị hút khô. Chưa năm nào hạn hán lại khốc liệt như vụ này", anh Dũng chua xót nói.

Không giêng gì người dân bản Hùn, nhiều hộ dân khác trồng cà phê ở các bản Hôm, bản Chiềng Yên… của xã Chiềng Cọ đều bị ảnh hưởng trầm trọng do hạn hán. Chủ vườn cũng lòng nóng như lửa đốt vì họ bất lực nhìn vườn cà phê cứ héo mòn dần do thiếu nước.

Trăm sự đợi trời cứu vườn cà phê 

Trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng, những hộ trồng cà phê đã dùng đủ mọi cách để đưa nước tưới vào vườn hòng vớt vát chút hy vọng. Tuy nhiên, do địa hình của xã Chiềng Cọ nằm trên núi cao. Hai bên đều là núi đá, nên nguồn nước tự nhiên nơi này vô cùng hiếm. Trong khi đó trời vẫn tiếp tục nắng nóng và kèo dài nhiều ngày, nên diện tích cà phê bị ảnh hưởng ngày một nhiều hơn.

Mùa cà phê đắng ở Chiềng Cọ- Ảnh 4.

Nhiều vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La bị "chết cháy" do thiếu nước. Ảnh: Thuần Việt

Theo ông Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ có gần 1000 ha cà phê. Hầu hết diện tích cà phê của xã đều bị ảnh hưởng. Việc tìm nước tưới cho cà phê hầu như nằm ngoài khả năng của bà con nông dân nơi đây. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài, trời không mưa, năng suất cà phê sẽ sụt giảm nghiêm trọng. "Sương muối, hạn hán là nguyên nhân khiến diện tích cà phê của Chiềng Cọ bị giảm đi nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng tới đời sống của cả nghìn hộ nông dân", ông Thủy cho biết.

Mùa cà phê đắng ở Chiềng Cọ- Ảnh 5.

Hoa cà phê bị thối do thiếu nước tưới. Hoa bị khô và giòn như chè. Ảnh: Thuần Việt

Thành phố Sơn La có gần 5.000ha cà phê, khoảng 4.520 ha kinh doanh, sản lượng quả tươi niên vụ 2022-2023 ước đạt trên 40.700 tấn, chiếm 46% tổng giá trị các loại cây trồng trên địa bàn. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, người trồng cà phê ở Sơn La nói chung và Thành phố nói riêng phải gánh chịu thiệt hại do xảy ra nhiều đợt sương muối và hạn hán khiến hàng ngàn ha phải đốn bỏ.

Thuần Việt