dd/mm/yyyy

Giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La

Sáng 8/12, Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục chương trình làm việc, tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều hành của các đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XV: Chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vấn đề cử tri quan tâm

Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Điều hành phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong 2 năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tiến hành sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm và thẳng thắn. Qua đó, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra để tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và các giải pháp có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài.

Đồng thời, đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng những nội dung, vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Đối với các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh trả lời chất vấn, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong tỉnh để làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lù Tuấn

Giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê 

Đại biểu Nguyễn Văn Khiêm, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu (Sơn La), chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê vào các niên vụ, đặc biệt  thời gian tới cây cà phê sẽ tiếp tục tăng cả về diện tích và sản lượng.

Giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Khiêm, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu (Sơn La) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Lù Tuấn

Trả lời nội dung này, đồng chí Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Sơn La thông tin: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh niên vụ 2023-2024 là 20.708ha, sản lượng ước đạt 32.493 tấn cà phê nhân; so với niên vụ 2022-2023 diện tích cà phê tăng 9,94%; sản lượng tăng 8,36%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất cà phê tươi quy mô lớn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường với công suất khoảng 102.000 tấn/năm, chiếm khoảng hơn 30% sản lượng cà phê toàn tỉnh.

Ảnh hưởng từ hoạt động sơ chế cà phê quả tươi chủ yếu là chất thải rắn từ vỏ bã cà phê và nước thải từ hoạt động ngâm ủ lên men, rửa nhân cà phê sau lên men trong quy trình chế biến bằng phương pháp ướt. Sản lượng cà phê quả tươi trên địa bàn lớn, tuy nhiên số lượng các cơ sở chế biến có đầy đủ thủ tục pháp lý, hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt quy chuẩn còn ít, không đáp ứng được nhu cầu chế biến sản lượng cà phê quả tươi. Do đó, dẫn đến tình trạng sản lượng lớn cà phê tươi đang được chế biến tại các cơ sở hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý chất thải, bã vỏ cà phê và nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Hàng năm, đến vụ sản xuất cà phê tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra (ô nhiễm không khí do mùi và ô nhiễm nguồn nước do nước thải, vỏ bã cà phê bị đưa vào nước mặt, nước ngầm). Biểu hiện rõ nhất là hiện nay đang xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Mường Bon, Mường Bằng, huyện Mai Sơn.

Giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn. Ảnh: Lù Tuấn

Để phát triển cà phê bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường. Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. 

Tiếp tục duy trì các Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung. Duy trì phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến- liên tục bằng camera truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị thông minh để cập nhật; kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm cục bộ; có biện pháp xử lý nghiêm, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí về ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La - Ảnh 4.

Các đại biểu theo dõi phiên chất vấn. Ảnh: Lù Tuấn

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các sở, ngành theo nhiệm vụ, chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư hoạt động chế biến nông sản quy mô tập trung có công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Triển khai đồng bộ giải pháp sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu cà phê gắn với vùng nguyên liệu và công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư sản xuất cà phê quy mô tập trung vào hoạt động trong cụm công nghiệp hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các cơ sở chế biến cà phê không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; các cơ sở chế biến cà phê cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình sơ chế, chế biến cà phê.

PV Tây Bắc