Cà phê Sơn La đóng góp vào sự phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam
Từ cuối những năm 1980, tỉnh Sơn La đã triển khai Chương trình phát triển cây cà phê chè - Arabica. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn của thời tiết sương muối khắc nghiệt, giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo của người trồng cà phê, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cây cà phê chè - Arabica đã sinh trưởng và phát triển tốt và trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 20.000 ha (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước) được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và Thành phố Sơn La. Trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, sau 70 năm cà phê Sơn La từ loại cây cải thiện sinh kế đến thương hiệu đặc sản vươn ra thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Hướng tới mốc đích đến câu chuyện hợp tác liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị bền vững ngành hàng cà phê Sơn La, hợp tác với bà con nông dân với nhau liên kết giữa nông dân, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, giúp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng gắn kết với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Việc hợp tác liên kết giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế trải nghiệm gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa lịch sử địa phương. Hợp tác liên kết giúp ngành hàng cà phê Sơn La chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng. Đáng quan tâm, gần đây có Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) đã được Nghị viện Châu Âu thông qua. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho cà phê Sơn La nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung, đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Sơn La mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thăm Công ty Cổ phần cà phê Detech (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn la). Bộ trưởng ghi nhận những kết quả mà đơn vị đạt được trong thời gian qua và đề nghị Công ty luôn đồng hành, giúp đỡ nông dân địa phương, xem nông dân là đối tác để cùng mang lại lợi nhuận và phát triển bền vững.
Thăm vườn cà phê arabica và lắng nghe những khó khăn mà cây cà phê arabica đã gặp phải cũng như phương hướng khắc phục nhằm nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Bộ trưởng đã ân cần thăm hỏi, chúc mừng những mùa đậm của bà con trong vụ mùa năm nay và động viên bà con tiếp tục canh tác và khai thác giống cây chủ lực cà phê Arabica tại địa phương, vừa góp phần tích cực phát triển kinh tế cho tỉnh Sơn La.
Sơn La phát triển cà phê chất lượng cao, bền vững
Hiện nay, tỉnh Sơn La được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê, xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn. Giá trị sản xuất cà phê năm 2022 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt 857,8 tỷ đồng; có 4 sản phẩm cà phê được cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao; toàn tỉnh có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Sản phẩm cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La, đến nay, duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "cà phê Sơn La" cho 6 tổ chức.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La (xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết: Hợp tác xã đã nhiều năm khẳng định thương hiệu với sản phẩm cà phê bột nguyên chất đạt sản phẩm OCOP “5 sao” cấp quốc gia. Tiếp tục phát triển dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao, HTX đã thử nghiệm và chế biến thành công sản phẩm cà phê hòa tan sấy thăng hoa.
Để đáp ứng nguyên liệu sản xuất các dòng cà phê Arabica đặc sản, chất lượng cao, trong niên vụ 2023 - 2024, HTX Cà phê Bích Thao Sơn La đã liên kết với 800 nông hộ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thành phố, với diện tích 1.500 ha. Đồng thời, HTX cũng liên minh hợp tác với các HTX cùng lĩnh vực để tạo vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm bền vững cho người trồng cà phê. Năm 2020, HTX đã chú trọng sản xuất cà phê chất lượng cao hướng đến xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Nhật Bản. Hiện nay, HTX sản xuất trung bình từ 4.000 - 6.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu/năm, xuất bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn cà phê rang, xay và cà phê bột.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Cà phê Arabica Sơn La đang từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, xuất khẩu sang 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN. Giá trị xuất khẩu cà phê Sơn La trong năm 2022 đạt khoảng 82,4 triệu USD; trên địa bàn có 9 cơ sở sơ chế cà phê quy mô công nghiệp; có 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp thu và nghiên cứu, chọn lọc, vận dụng điều kiện thực tế địa phương, cùng với đó đề nghị các vụ, cục, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Sơn La về định hướng, giải pháp phát triển cà phê bền vững; hướng dẫn thực hiện quy định về xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EU) để đảm bảo điều kiện cho xuất khẩu cà phê; đồng hành và hỗ trợ tỉnh Sơn La trong quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu quan tâm hỗ trợ tỉnh các giải pháp về giống mới, quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.