dd/mm/yyyy

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp ở Sơn La

Anh Đậu Đức Đạt, bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã thành công từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Sơn La

Dẫn chúng tôi thăm vườn dâu tây xanh mướt, với quả chín đỏ đang vào vụ thu hoạch, anh Đạt, bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 1 ha đất trồng ngô, mía nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, năm 2019, gia đình tôi đã chuyển sang trồng dâu tây. Vừa học, vừa làm, vụ đầu tiên thành công, tôi tiếp tục đầu tư hệ thống tưới tự động và mở rộng diện tích.

Anh nông dân Sơn La làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp - Ảnh 1.

Vườn dâu tây của gia đình anh Đậu Đức Đạt, bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La) cho thu nhập cao. Ảnh: Đức Đạt.

Chia sẻ về kỹ thuật nhân giống cây dâu tây, theo anh Đạt lúc đầu gia đình anh chỉ mua 2.000 gốc về trồng làm giống trước, sau khi cây lớn lên anh tách ngó từ cây mẹ để nhân giống. Cây trồng bằng ngó sẽ ra hoa sau 2 – 3 tháng trồng.

Cách này cây có tỉ lệ sống cao, cây khỏe và sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, chỉ nên tách ngó ở những cây mẹ đang phát triển tốt. Đối với các cây đang yếu, phát triển kém nên cắt bỏ toàn bộ các ngó để dinh dưỡng tập trung nuôi cây mẹ.

Sau 15 – 20 ngày rễ chuyển sang màu nâu sẫm, đâm sâu xuống đất. Cây con có 3 – 4 lá thật cắt rời ngó khỏi thân cây mẹ. Với cách làm này, có thể nhân giống cùng một lúc rất nhiều cây con vì dâu tây phát triển ngó rất nhiều.

Anh nông dân Sơn La làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp - Ảnh 2.

Dâu tây của anh Đạt, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La) đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Đức Đạt.

Bên cạnh đó, để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, anh Đạt đã luôn chú trọng tất các công đoạn, từ việc chọn giống, làm đất đến phơi ải, khử khuẩn đất, sử dụng phân bón sinh học… Nhờ đó, vườn dâu tây của gia đình anh sinh trưởng phát triển tốt.

Đến nay, gia đình anh Đạt có khoảng 5.000 m2 dâu tây đang vào vụ thu hoạch, dự kiến vụ năm nay gia đình gia đình anh Đạt sẽ thu được khoảng 3-4 tấn dâu tây, với giá bán 170 nghìn đồng/kg, thu về khoảng hơn 500 triệu đồng.

Ngoài trồng dâu tây, gia đình anh Đạt còn đầu tư 60 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm của gia đình để làm giàn, lưới, hệ thống tưới phun, mua giống, trồng bí xanh.

Anh nông dân Sơn La làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp - Ảnh 3.

Mô hình trồng bí xanh trái vụ của ông Đậu Đức Đạt, bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La). Ảnh: Tuệ Linh.

Tháng 1/2022, gia đình anh Đạt trồng 0,5 ha bí xanh theo hướng sản xuất hữu cơ, anh Đạt được huyện, xã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật phát triển mô hình thực hiện từng khâu trong quá trình triển khai xây dựng và sản xuất.

Từ khi chuyển sang trồng bí xanh, hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp nhiều lần. Riêng vụ năm nay, gia đình anh Đạt thu được 40 tấn quả bí xanh, với giá bán 9.000 đồng/kg, thu về trên 300 triệu đồng.

Làm giàu từ chăn nuôi ở Sơn La

Không chỉ làm giàu từ trồng cây dâu tây, bí xanh, anh Đạt còn nuôi lợn 13 nái sinh sản cung cấp giống cho bà con trên địa bàn. 

Để chăn nuôi hiệu quả, anh Đạt thường xuyên học tập kỹ thuật chăn nuôi trên sách, báo, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương khác. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để áp dụng vào thực tế. 

Nhờ đó, đàn lợn của gia đình luôn phát triển tốt, duy trì ổn định, trung bình mỗi năm anh Đạt xuất bán ra thị trường khoảng 200 con lợn giống, với giá khoảng hơn 1 triệu đồng/con, thu về hơn 200 triệu đồng.

Anh nông dân Sơn La làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp - Ảnh 4.

Giàn bí xanh trái vụ, quả sai lúc lỉu của anh Đạt. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Đạt nuôi lợn nái sinh sản phải đặc biệt quan tâm phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng vắc xin theo định kỳ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Ngoài việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn theo hướng dẫn của cán bộ thú y, phải thường xuyên rắc vôi bột khu chuồng nuôi lợn; phun sát trùng ít nhất 1 lần/tuần. Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho lợn đầy đủ dinh dưỡng; thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn lợn, kịp thời phát hiện biểu hiện của các bệnh lợn thường gặp để xử lý. 

Với sự cần cù, chịu khó anh Đạt đã vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp, được đông đảo người dân học tập và noi theo.

Mùa Xuân