dd/mm/yyyy

Chuyên gia hiến kế cho Sơn La chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tại chương trình gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số", chuyên gia đã hiến kế giúp Sơn La thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.


Clip: Chuyên gia hiến kế cho Sơn La chuyển đổi số trong nông nghiệp.

 Đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

Chia sẻ tại chương trình gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số", TS. Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Bắc cho biết: Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật...) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Chuyên gia hiến kế cho Sơn La chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Bắc hiến kế chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay rất đa dạng từ các khâu quản lý HTX, doanh nghiệp, trang trại, đến quản lý trong khâu sản xuất, chế biến và kể cả trong khâu quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên chợ thương mại điện tử… 

Ở Việt Nam đang ứng dụng hoạt động chuyển đổi số dựa trên nền tảng của 5 công nghệ: Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT); Công nghệ điện toán đám mây (Dữ liệu lớn Big Data); Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI; Công nghệ rô bốt, tự động hoá; Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain).

Hiến kế thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Sơn La, theo TS. Nguyễn Văn Khoa cho biết: Cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp...

Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản, đẩy mạnh phát triển điện tử.

TS. Nguyễn Văn Khoa cho rằng: Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Hàng hoá nông sản của người Việt Nam trên thị trường hiện chủ yếu do người nông dân sản xuất ra. 

Người nông dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nên nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Để thích ứng với chuyển đổi số, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, tập huấn, nâng cao kỹ năng số một cách bài bản cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.

Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.

Bên cạnh yếu tố về nhân lực, vốn là một trong những vấn đề then chốt giúp chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công. Hiện nay, đã có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi vẫn còn tồn tại ràng buộc về hành chính như 10% nguồn thu của doanh nghiệp được đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo là gì vẫn chưa định hình rõ làm cho các doanh nghiệp lúng túng khi sắp xếp nguồn vốn.

Vì vậy, nên để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, sau đó đưa ra chính sách hỗ trợ như chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động và có đủ nguồn lực tài chính đầu tư vào công nghệ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo trong chuyển đổi số

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo bà Hà Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, Bưu điện sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân rà soát tập trung thu thập thông tin hộ nông dân sản xuất giỏi, hộ nông dân sản xuất quy mô trang trại; hộ nông dân vừa làm nông nghiệp, vừa làm nghề tiểu thủ công nghiệp, nhưng thu từ nông nghiệp là chính.

Chuyên gia hiến kế cho Sơn La chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Bà Hà Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La chia sẻ giải pháp chuyển đổi số ở Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ kỹ thuật cho nông nghiệp; tổ hợp tác, hợp tác xã, chi tổ hội nghề nghiệp để tổ chức đào tạo hướng dẫn cập nhật giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Theo bà Hằng, Bưu điện sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chuyển đổi cộng đồng số của tỉnh Sơn La đẩy mạnh việc phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn; mở tài khoản thanh toán điện tử. 

Hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng với các phương thức dễ hiểu, dễ tiếp cận trực quan.

Đẩy mạnh công tác quảng bá nông sản địa phương trên các kênh truyền thông nội bộ và phương tiện truyền thông xã hội. Mở rộng năng lực chuyển phát, vận chuyển, giao hàng chặng cuối, Bưu điện tiếp tục tham gia sâu và mở rộng cho kết nối vận chuyển, xuất khẩu nông sản theo hướng tối ưu chu trình chuỗi cung ứng chuyên biệt logistics trong nước và quốc tế.

Thường xuyên nâng cấp và hoàn thiện nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart để trở thành nền tảng công nghệ số, phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Cũng theo bà Hằng, cần tăng cường trách nhiệm của nhóm công tác phối hợp triển khai chương trình kế hoạch giữa Bưu điện tỉnh với Hội Nông dân nhằm đôn đốc, giám sát, hỗ trợ địa bàn phụ trách thực hiện kế hoạch, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hoặc phản ánh kịp thời với Ban Chỉ đạo; cụ thể:

Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Postmart.vn: Vận động tuyên truyền đến mỗi cán bộ, hội viên từ cấp tỉnh đến cấp huyện thực hiện mở ít nhất 1 tài khoản (người mua hoặc người bán), mỗi hội viên mua tối thiểu 1 đơn hàng trên sàn Postmart.vn để trải nghiệm phương thức mua sắm qua sàn.

Hướng dẫn nâng cấp thành tài khoản người bán thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn; Phân kỳ mục tiêu theo tháng và đánh giá kết quả thực hiện theo hàng tháng, theo từng địa bàn.

Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản: Tăng cường phối hợp triển khai các chương trình hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản với sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương và địa phương; Duy trì, vận hành và đẩy mạnh kinh doanh gian hàng số trên sàn Postmart.vn; Làm việc với Trung tâm xúc tiến, Sở Công Thương tỉnh về các chương trình xúc tiến cho nông sản địa phương trên gian hàng số.

Phối hợp xây dựng cộng đồng tiêu thụ nông sản an toàn của địa phương thông qua sàn Postmart.vn và điểm, cửa hàng giới thiệu tiêu thụ nông sản mà nòng cốt là cán bộ công nhân viên, người lao động của Hội Nông dân và Bưu điện các cấp.

Đẩy mạnh đào tạo, truyền thông: Tăng cường phối hợp lồng ghép đào tạo cho hộ sản xuất nông nghiệp vào các chương trình đào tạo của Hội Nông dân hoặc Hội Nông dân bố trí thời gian để Bưu điện đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp về sự cần thiết và kỹ năng mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Phát huy vai trò chính trị của Hội Nông dân tỉnh, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở NNPTNT… trong việc đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan truyền thông địa phương triển khai các chiến dịch truyền thông sâu rộng tới từng hộ sản xuất nông nghiệp.

Chuyên gia hiến kế cho Sơn La chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 4.

Ông Lường Trung Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát biểu tại Gala. Ảnh: Tuệ Linh.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Lường Trung Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La đánh giá: Những ý kiến chia sẻ của các đại biểu tại Gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số" rất hữu ích.

"Những ý kiến, chia sẻ của các đại biểu tại Gala này sẽ là những tài liệu, kinh nghiệm quý để Hội Nông dân tỉnh chắt lọc, tổng hợp, xây dựng báo cáo với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và tham mưu cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh có những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Sơn La. 

Đồng thời, gửi báo cáo cho các ngành nghiên cứu tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cấp, các ngành cùng với các tổ chức, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tam nông đạt hiệu quả cao nhất", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh.


Tuệ Linh