dd/mm/yyyy

Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai (Sặp Vạt, Yên Châu, Sơn La) phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thu nhập tiền tỷ...
Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả - Ảnh 1.

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch vụ xoài Đài Loan năm 2022. Ảnh: Mùa Xuân.

Bảo tồn giống xoài tròn huyện vùng cao Sơn La

Dẫn chúng tôi lên thăm vườn xoài tròn xanh bạt ngàn, với diện tích 2 ha, ông Xuân kể: Xoài tròn là giống xoài đặc sản có từ lâu đời của địa phương, tôi gắn bó với cây xoài tròn này từ bé.

Xoài tròn được người dân trong bản chúng tôi trồng từ rất nhiều năm nay rồi, với đặc điểm quả nhỏ, tròn, vỏ có màu xanh thường nhám, có các vệt đốm nâu đen chứ không láng bóng nhưng khi chín cùi dày, thịt mịn có màu đỏ hoặc vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Vì vậy người dân bản chúng tôi còn đặt tên quả xoài tròn là "xoài trứng" để người tiêu dùng dễ phân biệt với các giống xoài của các địa phương khác.

Cây xoài tròn có ưu điểm riêng biệt so với các loại xoài khác là thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nóng, ít sâu bệnh, ăn ngon. Ngày xưa các cụ còn ăn cùng với cơm, ngon đến mức độ như vậy.

Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả - Ảnh 2.

Thân cây xoài tròn to, một người ôm không xuể, đây là giống xoài đặc sản mang thương hiệu riêng ở bản Sai nói riêng và huyện Yên Châu nói chung. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Xuân, cây xoài tròn được bà con trồng rải rác vào khoảng những năm 60 – 70, do không được chăm sóc, những cây cổ thụ giờ đã thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm, quả nhiều xơ, sâu bệnh; cây có tán cao khó khăn trong việc chăm sóc và thu hái.

Để bảo tồn, phát triển giống xoài tròn ông Xuân và nhiều hộ dân trong bản đã được cán bộ khuyến nông của huyện Yên Châu tập huấn kỹ thuật ghép mắt cây xoài tròn.

Cũng theo ông Xuân, các cụ ngày xưa do chưa có kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài tròn nên sản lượng thường thấp hơn. Đối với cây xoài tròn nếu được trồng bằng hạt thì phải mất 7 - 8 năm mới cho bói quả, thời gian thu hoạch lâu hơn rất nhiều.

Kỹ thuật ghép và chăm sóc xoài của lão nông Sơn La

Năm 2017, sau khi gia đình ông Xuân cùng một số hộ dân trong bản được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu tập huấn về phương pháp ghép mắt. Trong quá trình thực hành ghép tại vườn, ông Xuân còn được cán bộ hướng dẫn từ khâu làm đất, ươm trồng cây xoài dại cho đến ghép mắt; quá trình chăm sóc, bón phân và cả khâu thu hái, bảo quản…

Khi đã có kiến thức, kinh nghiệm, ông Xuân tìm lấy hạt của cây xoài dại về ươm tại gia đình trong thời gian 3 tháng. Sau đó, ông Xuân mang lên đất dốc trồng, khi cây xoài dại được một năm tuổi thì tiến hành ghép mắt xoài tròn bản địa.

Sau khi ghép giống, phải tăng cường chăm bón cho cây gốc ghép khỏe mạnh, tăng khả năng tiếp hợp giữa mắt ghép và gốc ghép. Trong thời gian này cần tưới nước đủ ẩm, bón thêm phân chuồng, phân NPK, tỉa bỏ triệt để các mầm dại mọc ngoài mắt ghép. 

Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả - Ảnh 3.

Để bảo tồn, phát triển giống xoài tròn, ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX Xuân Tiến đã được cán bộ khuyến nông của huyện Yên Châu tập huấn kỹ thuật ghép mắt cây xoài tròn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Đồng thời, phải theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây xoài để kịp thời phát hiện một số sâu bệnh gây hại như thán thư, đốm lá, rầy xoài, từ đó, có giải pháp xử lý, giúp cây xoài lớn nhanh hơn. 

"Năm nay, do ảnh hưởng của mưa axit ít đậu quả ít hơn so với các năm khác. Tuy nhiên, điều mừng nhất là dịch Covid-19 được kiểm soát nên giá cũng cao hơn so với các năm trước.

So với cây xoài tròn cổ thụ lâu năm, xoài ghép mắt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng quả ít sâu bệnh. Ngoài ra, cây xoài ghép mắt cũng thấp hơn, do vậy, việc thu hái trở nên dễ dàng hơn rất nhiều". Ông Xuân, phấn khởi nói.

Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả - Ảnh 4.

Xoài tròn được xem là "của hiếm" của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quàng Xuân.

Ngoài thành công nhờ ghép mắt 2 ha cây xoài tròn đặc sản bản địa, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ông Xuân còn triển khai trồng thêm 1.000 gốc xoài Đài Loan, hiện đã cho thu hoạch quả.

Ông Xuân, bộc bạch: Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là qua các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức về hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây ăn quả… Vườn xoài của gia đình tôi luôn phát triển tốt, riêng vụ năm 2022, gia đình tôi thu trên 20 tấn xoài tròn, xoài Đài Loan, thu về hơn 400 triệu đồng.

Liên kết sản xuất trồng cây ăn quả ở Yên Châu

Năm 2017, ông Xuân đã liên kết các hộ dân thành lập HTX nông nghiệp Xuân Tiến, ông Xuân được tín nhiệm trở thành Giám đốc HTX. Sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã phát triển lên 38 thành viên, quy mô sản xuất 100 ha cây ăn quả, trong đó, 60 ha cây xoài tròn bản địa.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian qua, HTX đã đầu tư, cải tạo các vườn xoài cổ thụ, triển khai trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn và áp dụng kỹ thuật trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo sản phẩm quả xoài to, mã đẹp hơn. 

Xoài tròn của HTX được đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm thu hái đến đâu là bán hết đến đó. Vụ năm nay, do mưa axit nên ít quả hơn, bởi vậy hết vụ HTX thu được trên 50 tấn xoài với giá trung bình từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, giá bán cũng cao hơn từ 5-7 nghìn đồng so với năm trước.

Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả - Ảnh 5.

Xoài tròn thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng, mua về ăn và làm quà. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng theo ông Xuân, với chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp, đây là nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ đắc lực cho việc sản xuất xoài sấy dẻo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ lâu, huyện Yên Châu nói chung và xã Sặp Vạt nói riêng đã nổi tiếng với sản phẩm xoài tròn. Ngoài bán quả tươi, việc chế biến những sản phẩm từ quả xoài được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu xoài tròn.

Giám đốc HTX ở Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả - Ảnh 6.

Xoài sấy dẻo có đặc điểm ngọt đậm, thơm và rất dẻo của HTX nông nghiệp Xuân Tiến, huyện Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

Năm 2019, khi tỉnh Sơn La, huyện Yên Châu đã triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, HTX đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm xoài sấy dẻo. Tham gia chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm và quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, vì thế sản phẩm xoài sấy dẻo được nhiều người biết đến và đặt hàng.Sau khi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, HTX nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt đã sản xuất sản phẩm xoài sấy dẻo, với nguyên liệu là những quả xoài tròn có xuất xứ địa phương.

Sản phẩm được sơ chế, sấy nóng, đóng gói, bảo quản giữ được hương vị đặc trưng của xoài, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Đinh Minh Khanh