Clip: Hội Nông dân Sơn La nói về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số, hơn 19.500 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử
Thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu (ứng dụng công nghệ Data Analytics vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm, từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời).
Giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng (thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau).
Mặt khác, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động (canh tác nông nghiệp bằng thiết bị điều khiển từ xa, việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh).
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công cần phải áp dụng thực hiện đồng bộ các hoạt động. Trong đó tập trung vào 3 nhóm lĩnh vực chính. Đó là: Áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản lý.
Tỉnh Sơn La là một tỉnh có lợi thế về nông nghiệp, hình thức sản xuất đang theo 3 nhóm chính, đó là hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đây là những đơn vị sẽ tham gia trực tiếp vào chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh.
Trao đổi với PV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Lường Trung Hiếu cho biết: Thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh Sơn La, những năm qua các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số.
"Trước hết là đội ngũ cán bộ hội các cấp, tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, như: Truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, sử dụng các công cụ, phần mềm trực tuyến....", ông Hiếu nói.
Theo đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đưa được trên 19.500 hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử. Đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn. Trực tiếp hỗ trợ cho 26 hợp tác xã thực hiện đưa 108 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn.
Xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm; Người dân từng bước làm quen tiến tới mua sắm không dùng tiền mặt; định hình các sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh…; Ứng dụng phần mềm VNPT ioffice trong điều hành, quản lý công việc từ tỉnh đến cơ sở; Kết nối zalo giữa các cấp hội, thực hiện giao nhận thư điện tử, ... Đặc biệt, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số tại một số địa phương.
Nông dân Sơn La livestream bán nông sản
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Sơn La cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp với Bưu điện thành phố, Hội Nông dân thành phố đang từng bước tuyên truyền đến Hội viên nông dân các xã, phường, chi hội trực thuộc; đặc biệt đối với các hộ nông dân sản xuất kinh giỏi trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để giới thiệu sản phẩm nông sản của minh lên sàn thương mại điện tử để kết nối và điều khiển các yếu tố từ xa.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tuyên truyền đến hội viên nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số như: Sử dụng điện thoại thông minh trong giao dịch mua bán các sản phẩm nông sản tiêu dùng không dùng tiền mặt hoặc chuyển tải các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên hệ thống mạng Internet, Zalo, Facebook……..từng bước giới thiệu kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường.
Chia sẻ với PV, ông Lò Văn Sao, thành viên HTX Mé Lếch (bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Sau khi được cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn cách sử dụng điện thoại thông minh trong bán hàng, tôi đã trực tiếp dùng điện thoại livestream ở các nhóm, hội trồng na trên mạng xã hội Facebook và được nhiều thương lái ở các tỉnh đặt hàng qua điện thoại. Nhờ đó, gia đình xuất bán được hàng tấn na đi tiêu thụ, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.