dd/mm/yyyy

Chiếc điện thoại trên tay giúp lão nông Sơn La làm giàu

Đó là chia sẻ của Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Văn Chất về ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn tại Gala “Hội Nông dân Sơn La với chuyển đổi số”.


Clip: Ông Hoàng Văn Chất, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ tại Chương trình Ga La...

 Lão nông Sơn La đi lên từ con số 0

Sinh ra và lớn lên ở đồng đất bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La). Mảnh đất Chiềng Ban xưa nay vốn là mảnh đất khô cằn, thiếu nguồn nước tưới chủ động. Vùng đất này còn khắc nghiệt ở chỗ mùa đông rất dễ bị sương muối, giá rét hại chết cây trồng và gia súc. Nhưng hôm nay, nếu ai đặt chân đến với Chiềng Ban thì sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt, sự trù phú của những nương vườn tiền tỷ. Những tỷ phú ở vùng đất này đều là nông nghiệp, nông dân và đều ứng dụng rất tốt các công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh.

Hơn 10 năm trước, ông Chất cũng chỉ là lão nông với 2 bàn tay trắng. Nhìn đi nhìn lại, ngoài mảnh đất sản xuất của gia đình đang trồng mấy cây lương thực ngắn ngày với năng suất thấp thì ông Chất chẳng có chút vốn nào đáng kể để bứt phá thoát khỏi đói nghèo.

Thiết nghĩ, nếu cứ làm theo cách thức truyền thống thì dù đất đai có rộng đến mấy ha cũng chỉ đủ ăn chứ không thể tích luỹ để làm giàu. Mà ông Chất là một nông dân có khao khát làm giàu ngay từ khi chưa lập gia đình. Bởi thế, ông Chất luôn trăn trở để tìm hướng thoát nghèo bằng chính nghề nông truyền thống của gia đình.

Chiếc điện thoại trên tay giúp lão nông Sơn La  làm giàu - Ảnh 2.

Chương trình Gala “Hội Nông dân Sơn La với chuyển đổi số” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức. Ảnh: Mùa Xuân.

Là một nông dân trưởng thành "từ không đến có", ông Chất đã chia sẻ về việc ứng dụng những tiến bộ xã hội vào sản xuất và đời sống hôm nay đã trở thành bức thiết, là yếu tố sống còn trong sản xuất hàng hoá và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

Trong những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Sơn La nói chung; đặc biệt là Hội Nông dân nói riêng đã có sự quan tâm sâu sắc tới việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ xã hội để nâng cao năng suất lao động, làm ấm cái lưng, no cái bụng, tăng tích luỹ, phát triển sản xuất cho nông dân.

Lão nông Sơn La ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Ông Hoàng Văn Chất, cho biết: Sau khi được các cán bộ Hội Nông dân trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, tôi cũng ý thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống. Nói công nghệ số hay chuyển đổi số thì có vẻ cao siêu nhưng tôi thấy, thực chất việc ứng dụng công nghệ số rất đơn giản.

Đó chính là những hoạt động thường ngày của chúng ta như: Bấm số điện thoại di động, nhắn tin, dùng facebook, chát để tìm kiếm mua đất, mua nhà, mua thức ăn, quần áo… Nói như vậy, có nghĩa là ứng dụng công nghệ số là một trong những việc làm thường ngày của chúng ta và hiệu quả của nó rất thiết thực với mỗi chúng ta.

Chính nhờ ứng dụng công nghệ số, tôi đã tìm kiếm và tích luỹ được rất nhiều thông tin, giúp tôi chuyển đổi sản xuất và làm giàu; đồng thời bằng những kiến thức, những kinh nghiệm tích lũy được, tôi đã hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều hội viên, nông dân, hộ sản xuất gỡ khó để vươn lên.

Cầm chiếc điện thoại trên tay giúp lão nông Sơn La  làm giàu - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Chất chia sẻ tại chương trình Gala “Hội Nông dân Sơn La với chuyển đổi số”. Ảnh: Mùa Xuân.

Bây giờ, nhờ có tiến bộ khoa học kĩ thuật, có điện thoại, có internet, có cán bộ Hội nông dân, khuyến nông đồng hành hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Ông Chất đã từng bước xoá được mặc cảm của người nông dân nghèo, vững tin xoá nghèo và làm giàu cho mình.

Quá trình ứng dụng công nghệ số, những tiến bộ khoa học vào sản xuất lúc đầu, ông Chất chỉ vào mạng để tìm hiểu những nội dung đơn giản như trồng cây gì cho quả nhiều, trồng cây gì dễ bán được, nhanh thu hồi vốn, mua giống chất lượng ở đâu... Nhưng càng tìm hiểu, ông Chất càng thu được nhiều những thông tin giá trị, biết cách lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Chiềng Ban.

Cũng từ đó, ông Chất biết được thị trường đang cần những nông sản gì; biết nông sản gì bán ở thời điểm nào thì được giá nhất. Rồi cao hơn nữa, ông Chất nắm được nhiều kỹ thuật chiết ghép cây, tỉa cành; lai tạo những giống cây chín sớm, chín muộn; cách kích hoa, thụ phấn, hãm quả; khi nào thì bón phân cho cây hiệu quả nhất; khi nào thì cần hãm lượng phân bón…

Cầm chiếc điện thoại trên tay giúp lão nông Sơn La  làm giàu - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Chất, bản Cụ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Hà Hoàng.

“Nhờ những kiến thức thu thập được từ ứng dụng tiến bộ khoa học trên mạng, tôi đã đầu tư vào chính những nương vườn của mình và gặt hái những kết quả rất tốt. Mọi diện tích cây trồng của tôi không chỉ cho năng xuất cao mà chất lượng của trái cam, trái bưởi cũng như những cây trồng khác đều làm thỏa mãn khách hàng. Mỗi năm, tôi thu hàng trăm triệu đồng từ nương vườn cây trái của gia đình”. Ông Chất nói.

Cũng chính nhờ ứng dụng công nghệ số nên ông Chất đã biết đến giống cam Đường Canh – Cam 36 hay Cam V2 mang về trồng ở Sơn La nói chung và Chiềng Ban nói riêng. Biết được giống bưởi Da Xanh Bến Tre khác với giống bưởi Da Xanh miền Bắc.

Những thông tin đó luôn hữu ích, bởi ngay từ khi đầu tư cây giống đã không bị thất bại, không mất vốn đầu tư cũng như thời gian chăm sóc. Sẽ không mắc phải tâm lí thất bại, e ngại khi bước chân vào sản xuất hàng hoá nông sản.

Liên kết sản xuất trong chuyển đổi số ở Sơn La

Để liên kết sản xuất, năm 2018, được sự hướng dẫn của huyện, HTX Trường Tiến đã vận động các hộ trồng cây ăn quả tại địa phương tham gia thành lập HTX Trường Tiến. Đến nay, HTX có 15 thành viên, với diện tích sản xuất 20 ha cây ăn quả có múi, 30 ha cà phê.

Đến nay, trang trại cây ăn quả hiện có năng xuất cao, những trái cây có mẫu mã đẹp và tất nhiên là chất lượng nông sản rất tuyệt vời. HTX Tường Tiến do ông Hoàng Văn Chất làm Giám đốc không chỉ sản xuất tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn sẵn lòng làm dịch vụ kỹ thuật, giúp các bà con nông dân khác cùng phát triển.

Không chỉ ứng dụng những kiến thức ấy vào sản xuất gia đình; trong 5-6 năm trở lại đây, ông Chất đã mang những kiến thức có được nhờ ứng dụng công nghệ số ấy để giúp nhiều nông dân khác trong tỉnh tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đã có hàng trăm hộ gia đình được tôi giúp đỡ cải tạo vườn tạp, chiết ghép cây giống; thiết kế trang trại, vườn cây ăn trái để đạt hiệu quả cao hơn.

Cầm chiếc điện thoại trên tay giúp lão nông Sơn La  làm giàu - Ảnh 4.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp sản phẩm nông sản của ông Hoàng Văn Chất vươn xa hơn. Ảnh: Hà Hoàng.

Ứng dụng công nghệ số và những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thành công, chúng tôi lại tiếp tục ứng dụng công nghệ số vào tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn bộ các thành viên HTX Tường Tiến đều sử dụng mạng xã hội để bán hàng, giới thiệu nông sản cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho nhau.

Đơn giản như, khi người dân vào facebook Hoàng Chất hoặc zalo Hoàng Chat là sẽ tìm kiếm được rất nhiều thông tin về hàng hoá, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, kỹ thuật sử dụng phân bón, kỹ thuật chiết ghép cành … hoặc chát trao đổi để thỏa mãn những thông tin cần tìm kiếm, cần câu trả lời.

Có thể thấy chuyển đổi số đã góp phần giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu; người nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử; nâng cao năng suất lao động thông qua thiết bị điều khiển từ xa trong các khâu sản xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp…

Mùa Xuân