dd/mm/yyyy

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen

Chiếc khăn Piêu là điểm nhấn tôn lên vẻ đẹp riêng và thể hiện sự khéo léo của phụ nữ Thái. Khăn Piêu còn chứa đựng nhiều ý nghĩa của cuộc sống, tâm linh.


Clip: Điệu múa với khăn Piêu

Khăn Piêu đẹp đến từng đường chỉ

Những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp trở lại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, đây là một trong những hai bản nông thôn kiểu mẫu của thành phố Sơn La (Sơn La). Bản Hùn có trên 200 hộ gia đình với gần 800 nhân khẩu. Bản có trên 95% là người đồng bào thái đen.

Người dân trong bản chủ yếu phát triển cây cà phê, cây mận hậu, mận tam hoa, chăn nuôi. Những năm gần đây, ở áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nhờ với chất lượng hàng nông sản của bà con nơi đây càng ngày một được nâng cao về chất lượng và cả số lượng. Nhờ cần cù chịu khó phát triển kinh tế, trong bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tăng theo từng năm. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. 

Không chỉ thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, bản Hùn còn được biết đến là một bản còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc, từ các phong tục tập quán, các làn điều hát, đến đan lát đặc biệt là trang phục của dân tộc Thái, trong đó chiếc khăn Piêu là trang phục không thể thiếu đối với chị em phụ nữ thái.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 2.

Bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La năm dưới thung lũng, bao quanh là những dãy núi cao. Ảnh: Văn Ngọc

Dưới hiên nhà sàn truyền thống, với mái ngói đỏ, chị Tòng Thị Liên, bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) đang hoàn thiện những phần trang trí cuối cùng của chiếc khăn Piêu, đây là chiếc khăn chị sẽ đội để khoe với mọi người trong ngày Hội xuân tới của bản. Đôi tay khéo léo với những đường chỉ, chị Liên chia sẻ: Khăn Piêu là loại khăn đội đầu của nữ giới, phổ biến nhất ở người Thái Đen vùng Tây Bắc. Khăn Piêu thường được may bằng vải sợi bông dệt thủ công, màu đen hoặc màu chàm. Hai đầu Khăn piêu gọi là nả piêu (mặt piêu) được viền bằng vải đỏ và đính các cút piêu hình tròn. Hoa văn nả piêu thêu bằng sợi tơ tằm hoặc chỉ màu với các hình dáng như răng cưa, quả núi, đường song song.

Để hoàn thành một chiếc khăn Piêu, các cô gái Thái phải mất ba tháng dệt vải, thêu thùa, tự tìm kiếm cho mình những màu sắc, đường "siếu" thích hợp nhất. Khăn Piêu của người Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà được tập trung ở hai đầu. Trước khi thêu trang trí, họ thường ghép mảnh vải đỏ làm viền. Các viền đỏ bọc cho sợi vải ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa giới hạn diện tích trang trí ở đầu khăn.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 3.

Chị chị Tòng Thị Liên, bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) đang thêu khăn Piêu dưới hiên nhà. Ảnh: Văn Ngọc

Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, người phụ nữ nhìn theo mẫu song không rập khuôn, máy móc. Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan. Có nhiều kiểu thêu: Móc xích, chân rết, xương cá...Hoa văn khăn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống bố cục nội dung phức tạp. Để thêu được, đòi hỏi người phụ nữ phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật và tư duy sáng tạo những nét hoa văn với hai mặt phải, trái của nó.

Điều đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu Piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp sẽ hiện lên ở phía mặt phải. Bằng lối thêu luồn rất khéo léo, hạn chế tới mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một.

Bên cạnh hoa văn trang trí, điểm nổi bật ở khăn Piêu chính là các cút Piêu. Cút được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình ốc.

Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu. Những loại chỉ màu được sử dụng vừa mang chức năng kỹ thuật, lại có giá trị thẩm mỹ. Nhìn vào chiếc cút được dính vào đầu Piêu, rất khó nhận ra được đường chỉ khâu ghép với nhau. Cút Piêu thường được sắp xếp thành từng chùm lẻ (3, 5, 7 cái) trên các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn. Bởi vậy, ở trên Piêu bao giờ cũng là cút chùm.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 4.

Chiếc khăn Piêu của người thái đen với những hoa văn đẹp và cầu kỳ. Ảnh: Văn Ngọc

Khăn Piêu đậm nét văn hóa người thái đen 

Bà Lù Thị Đoàn, Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Khăn Piêu được coi như món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của người con gái Thái. Mỗi dịp lễ hội, các chàng trai thường tìm cách tỏ tình với những cô gái thông qua việc cướp khăn Piêu. Nếu đồng ý làm bạn, cô gái sẽ để cho chàng trai cướp khăn Piêu của mình. Ngoài ra, nếu thích ai, cô gái sẽ tìm lý do để "quên", cố tình đánh rơi hay tung khăn Piêu về phía người đó. Khăn"Piêu" còn là vật làm tin của các đôi trai gái, quà của các cô gái biếu gia đình nhà chồng khi về làm dâu.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 5.

Đối với người phụ nữ Thái đen chiếc khăn Piêu là thứ không thể thiếu trong bộ trang phục. Ảnh: Văn Ngọc

Khăn Piêu có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái. "Khăn được dùng để đặt trong các lễ như: Tạ ơn, Xên bản, xên mường (cúng bản cúng mường)… Ngoài ra, khăn Piêu còn được sử dụng trong việc tang lễ với vai trò như đưa đường, chỉ lối cho linh hồn của người chết được siêu thoát.

Khăn Piêu có ý nghĩa là vậy nên đối với người con gái Thái đen xưa, ngay từ lúc còn bé họ đã được mẹ hướng dẫn thêu, làm khăn Piêu kỹ càng từ đường kim mũi chỉ, cách pha màu sao cho hài hoà. Nét hoa văn độc đáo trên chiếc khăn piêu không những thể hiện sự khéo léo của các cô gái Thái, mà còn có thể đánh giá được người thiếu nữ có đảm đang, chăm chỉ hay không.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 6.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 7.

Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái Đen - Ảnh 8.

Khăn piêu là vật trang sức tô điểm thêm vẻ mặn mà, xuân sắc cho người phụ nữ Thái. Ảnh: Văn Ngọc

Nhằm giữ lại những giá trị thiết thực của khăn piêu, rất cần sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương về vấn đề đầu tư, phát triển làng nghề thủ công truyền thống nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của các sản phẩm nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh