dd/mm/yyyy

Cụm bản vùng cao Sơn La mơ ước về một nhà văn hóa mới

Lâu nay, hàng trăm hộ người Thái ở các bản: Púng Mé, Púng Ten, Púng A (Púng Tra, Thuận Châu, Sơn La) phải chịu cảnh nhà văn hóa xuống cấp nghiêm trọng.

Clip: Niềm mong mỏi của hàng trăm hộ dân ở cụm bản vùng cao Sơn La về một nhà văn hóa mới.

Ông Lường Văn Chương, bản Púng Mé (Thuận Châu, Sơn La), chia sẻ: Người dân trong bản chúng tôi chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng nên khó khăn lắm. Nhiều lúc phải họp ngoài trời hoặc mượn nhà lớp học của bản để họp, rất bất tiện. Bà con chúng tôi mong muốn được các tổ chức thiện nguyện đầu tư xây dựng giúp một nhà văn hóa kiên cố, khang trang để bà con chúng tôi hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ thuận tiện hơn.

Cụm bản vùng cao Sơn La mơ ước về một nhà văn hóa mới - Ảnh 2.

Một góc cụm bản Púng Mé, Púng Ten, xã Púng Tra, huyện Thuận Châu (Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

Dân khát khao có nhà văn hóa để khỏi phải "họp nhờ, vui mượn"

Anh Lò Văn Định, Trưởng bản Púng Mé, xã Púng Tra, thông tin: Tới đây, bản Púng Mé, Púng Ten sẽ sáp nhập thành bản Púng B. Như vậy, sau khi sáp nhập, bản Púng B sẽ có 136 hộ, với 675 nhân khẩu. Nhưng cái khó khăn lớn nhất hiện nay của bản là chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Trước đây, khi có các cuộc họp bản hoặc các cuộc tuyên truyền pháp luật phải họp tại nhà văn hóa bản Púng A. 

Hiện nay, nhà văn hóa bản Púng A cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng được nữa. Do đó, 2 năm nay, khi có các cuộc họp bản, chúng tôi phải "ngồi nhờ" Trường Mầm non. Nhưng việc "ngồi nhờ " cũng chỉ được thứ bảy, chủ nhật. Bà con trong bản đang rất mong muốn sớm được hỗ trợ kinh phí để xây nhà văn hóa mới.

Cụm bản vùng cao Sơn La mơ ước về một nhà văn hóa mới - Ảnh 3.

Người dân cụm bản Púng Mé, Púng Ten, Púng B mong muốn được các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ xây dựng nhà văn hóa mới. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Định dẫn chúng tôi đến thăm nhà văn hóa bản Púng A, tại đây chúng tôi được tận mắt chứng kiến ngôi nhà văn hóa có diện tích chưa đến 100 m2 cũ kỹ, đã xuống cấp nghiêm trọng được lợp bằng Fibro Ximăng nhưng mái nhà thủng lỗ to, lỗ nhỏ... Những tấm ván mục được thay thế bằng phen tre, những cột, xà bị mối mọt…

Ông Lò Văn Rơm, Trưởng bản Púng A, thở dài: Bản Púng A, với số hộ dân rất đông nhưng chỉ có mỗi nhà văn hóa làm bằng gỗ này đã được dựng lên từ năm 2012. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, bản không có chỗ nào để họp dân nữa. Vì vậy, tôi cũng như hàng trăm hộ trong bản luôn mơ ước về một nhà văn hóa mới kiên cố hơn.

Cụm bản vùng cao Sơn La mơ ước về một nhà văn hóa mới - Ảnh 4.

Nhà văn hóa sinh hoạt chung cụm bản Púng Mé, Púng Ten và bản Púng A đã xuống cấp nghiêm trong, không đảm bảo an toàn cho người dân hội họp. Ảnh: Mùa Xuân.

Cụm bản vùng cao Sơn La mơ ước về một nhà văn hóa mới - Ảnh 5.

Nhà văn hóa này được người dân bản Púng Mé, Púng Ten, Púng A dựng lên từ năm 2012 nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Mùa Xuân.

Tìm hiểu được biết, cụm 3 bản Púng Mé, Púng Ten, Púng A là các bản nằm giáp ranh liền kề nhau nên trước đây các bản đã họp bàn thống nhất dựng nhà văn hóa chung. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng nhà văn hóa đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, nhất là khi mưa, bão… 

Xuất phát từ thực tế đó cũng như để đảm bảo hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho 269 hộ, với 1.363 nhân khẩu thuộc cụm bản Púng, xã Púng Tra; đồng thời từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho xã, bản thì việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa cho cụm bản Púng là hết sức cần thiết.

Hiện nay, các bản đã họp và thống nhất xong mặt bằng và địa điểm xây dựng nhà văn hóa 1 tầng, trên tổng diện tích hiện có là hơn 770 m2, với sức chứa dự kiến 300 chỗ ngồi.

Cụm bản vùng cao Sơn La mơ ước về một nhà văn hóa mới - Ảnh 6.

Mặt bằng người dân cụm bản Púng Mé, Púng Ten và Púng A sẽ xây dựng nhà văn hóa nhưng do kinh phí quá lớn nên người dân mong muốn được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ. Ảnh: Mùa Xuân.

Cán bộ cũng muốn có nhà văn hóa để thuận lợi công việc chung

Ông Lò Thái Vui, Chủ tịch UBND xã Púng Tra, cho biết: Xã Púng Tra có 8 bản nhưng mới có 1 bản có nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo quy định xây dựng nông thôn mới. Đối với 7 bản chưa có nhà văn hóa đang phải mượn tạm nhà lớp học của Trường TH&THCS, Trường Mầm non của xã để sinh hoạt. Những bản không mượn được thì phải sinh hoạt tại nhà văn hóa được dựng tạm bợ từ lâu để phục vụ cho việc hội họp và sinh hoạt cộng đồng của bản. 

Bức thiết nhất là cụm bản Púng (bao gồm bản Púng Mé, Púng Ten, Púng B) đang cần xây dựng chung một nhà văn hóa để thuận tiện hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Theo ông Vui việc 3 bản Púng Mé, Púng Ten và bản Púng B chưa có nhà văn hóa gây rất nhiều khó khăn cho cả cán bộ và bà con trong bản; nhất là khi cán bộ xã xuống bản để tổ chức họp dân, mở các hội nghị triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con. Nhà Văn hoá đây cũng là nơi diễn ra các hội thi, hội diễn  hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào các dịp lễ, tết… 

Thông qua những hoạt động này góp phần gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là cụm bản có số hộ dân rất đông, nhu cầu lớn là vậy nhưng  việc vận động người dân đóng xây dựng nhà văn hóa ở một địa bàn nghèo như Púng Tra thì rất hạn chế.

Púng Tra là một trong những xã vùng III của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Xã có 8 bản, 764 hộ, với hơn 3.700 nhân khẩu, có dân tộc Thái và Khơ Mú cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm gần 50%. Huyện thì nghèo, xã thì khó khăn, sức dân hạn hẹp nên cán bộ và người dân nơi đây luôn mong mỏi có những tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ !
Mùa Xuân