dd/mm/yyyy

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tối ngày 31/7, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ khai mạc chương trình nghệ thuật "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022, đón nhận bằng chứng nhận Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại chương trình nghệ thuật "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022, Lễ đón nhận bằng chứng nhận Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Khánh Linh.

Phát biểu tại Lễ đón Bằng công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, bày tỏ vui mừng, đồng thời, nhấn mạnh, văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đảng ta đã xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vừa có ý nghĩa trong việc quảng bá du lịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Tỉnh Hoà Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, được mệnh danh là "miền đất sử thi", nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với gần 800 di sản văn hóa phi vật thể và trên 18 nghìn hiện vật có giá trị. Trong đó, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường với các di sản văn hóa nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước... Với lịch sử sinh sống lâu đời ở Hòa Bình, người Mường đã sáng tạo ra nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của 54 dân tộc anh em.

Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, thể hiện trình độ phát triển cao, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Mường ở khắp mọi miền đất nước, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Những giá trị văn hóa đặc sắc này chính là sợi dây cố kết cộng đồng, là cội nguồn sức mạnh được gìn giữ, bồi đắp, trao truyền từ đời này qua đời khác, giúp cho người dân ở mảnh đất này vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước đi lên, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 2.

Đông đảo người dân đến tham dự chương trình nghệ thuật "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022, đón nhận bằng chứng nhận Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Khánh Linh.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, tiến hành đổi mới trên mọi lĩnh vực và thu được nhiều kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng vững mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thời gian qua.

Những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong quá trình lập hồ sơ đề cử, xem xét, đánh giá, công nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại buổi lễ hôm nay.

Với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng và những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, tin tưởng rằng, mong muốn, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy những kết quả đáng tự hào, khắc phục các tồn tại, hạn chế; quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, nhất là ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11 năm 2021. Phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17.

Đặc biệt là, 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được vinh danh hôm nay, cùng hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của tỉnh nhà sẽ tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình giữ gìn, bồi đắp, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng công nhận 2 di sản văn hóa, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, bày tỏ: Được mệnh danh là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức đón nhận Bằng công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Hòa Bình: Tri thức Lịch tre của người Mường tỉnh Hòa Bình và Lễ hội Khai Hạ của người Mường các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình" nổi tiếng, với hơn 100 di tích đã được xếp hạng và nhiều lễ hội dân gian độc đáo của các dân tộc. Hòa Bình còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp làm say đắm lòng người.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả 4 đột phá chiến lược. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng du lịch, đảm bảo kết nối với hạ tầng giao thông và thiết chế văn hóa để ngành du lịch tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình là tỉnh tăng trưởng xanh, là trung tâm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng và trải nghiệm chất lượng cao của khu vực và thế giới.

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Khánh Linh.

Tri thức dân gian Lịch tre thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc

Tri thức dân gian Lịch tre của dân tộc Mường, được làm từ 12 thanh tre tương ứng với 12 tháng. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch. Trên mỗi thanh tre có các bộ phận chính gồm: Gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thanh tre đều khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. 

Đồng bào Mường gọi là "Lịch Đoi/Roi" bởi lịch này được phân chia ngày, tháng trong năm theo sự vận hành của sao Đoi/Roi – còn gọi là sao Tua Rua – chòm sao có 7 ngôi vận hành theo chiều từ Đông sang Tây.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Mường tỉnh Hòa Bình đã xây dựng cho mình một cách tính lịch rất độc đáo. Theo Lịch Đoi/Roi, dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tính ngày Âm lịch không chỉ theo sự vận hành của Mặt Trăng, song nó còn lồng ghép yếu tố thời tiết vào chu kỳ vận hành của sao Đoi/Roi.

Đây chính là điểm đặc biệt nhất của Lịch tre dân tộc Mường mà ta không tìm thấy ở các hệ lịch khác trên thế giới. Giá trị tri thức dân gian Lịch tre của dân tộc Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong nhân dân thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc, xứng đáng là một tri thức, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 4.

Tri thức dân gian Lịch tre của dân tộc Mường, được làm từ 12 thanh tre tương ứng với 12 tháng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Khánh Linh.

Lễ hội Khai Hạ gắn với nền nông nghiệp lúa nước

Lễ hội Khai Hạ của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được người dân nơi đây gọi với nhiều cái tên, như: Khuống mùa, Thuống mùa, Thuống tồng, Xuống đồng. Đây là Lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình gắn với nền nông nghiệp lúa nước, mang đậm dấu ấn văn minh của người Việt cổ. Đây cũng là hoạt động văn hoá, tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm, bản.

Lễ hội có lịch sử lâu đời, lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hoá, lịch sử. Trải qua nhiều thế hệ khác nhau, tuy có những lúc thăng trầm nhưng đến nay, lễ hội này đã được cộng đồng dân tộc Mường khôi phục ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 5.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Khánh Linh.

lễ hội trở thành hoạt động văn hoá, tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Hòa Bình trong mỗi dịp xuân về. Đến với lễ hội để hòa mình vào không khí linh thiêng của phần lễ và sự náo nhiệt của phần hội, người dân Mường như được gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, ấm no nơi bản Mường, là dịp để trai gái bản Mường làm quen và tìm hiểu tâm tình qua những câu hát đối giao duyên, bộ mẹng.  

Lễ hội là hoạt động văn hóa-tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn thuộc các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi của tỉnh.

Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Tri thức dân gian Lịch Tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường chứa đựng những nét văn hoá độc đáo, lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Mùa Xuân