Tác giả kịch bản cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình": "Chúng tôi đã làm chương trình với rất nhiều áp lực"

Khánh Yến Thứ năm, ngày 28/07/2022 18:03 PM (GMT+7)
"Áp lực lớn nhất của chúng tôi là nội dung làm sao để không phụ lòng "các anh, các chú, các cô, các chị" đã ngã xuống vì hoà bình. Chúng tôi luôn nghĩ làm chương trình này là vì họ" - Nguyễn Thu Yến - Trưởng nhóm nội dung của cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình" chia sẻ.
Bình luận 0

Tối qua (27/7), cầu truyền hình đặc biệt mang tên "Khúc tráng ca truyền hình" do Ban Tuyên giáo TW chủ trì phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã được phát trên sóng truyền hình VTV1, tiếp sóng trên các đài phát thanh, truyền hình địa phương trong cả nước. Với 6 điểm cầu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, An Giang, chương trình đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả, thông qua những thước phim chân thực về những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của dân tộc.

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thu Yến, Trưởng nhóm nội dung, tác giả kịch bản của cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình" về những cảm xúc, kỷ niệm của ê-kip VTV trong quá trình thực hiện chương trình.

Tác giả kịch bản cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình": "Chúng tôi đã làm chương trình với rất nhiều áp lực" - Ảnh 1.

BTV Thu Yến, trưởng nhóm nội dung của cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình". (Ảnh: NVCC)

Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" đã được tổ chức rất thành công và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Là trưởng nhóm nội dung cũng như tác giả kịch bản của chương trình, chị có thể chia sẻ về những cảm xúc đằng sau chương trình vừa qua? 

- "Khi bạn làm bằng trái tim, sẽ chạm đến trái tim khán giả" - đó là điều cả nhóm nội dung tâm niệm khi bắt tay thực hiện chương trình này. Nếu bạn không cảm thấy rung động đến nghẹn ngào, nếu bạn không cảm thấy tự hào đến trào dâng, nếu bạn không thấy đau khi nghĩ về thời chiến, bạn chẳng thể kể bất cứ câu chuyện gì cho người nghe. Khi làm xong chương trình, tất cả chúng tôi đã ôm nhau, đã nhắn tin, đã động viên nhau rằng "mình đã kể lại câu chuyện bằng tất cả những chân thành - của những người sinh ra trong hoà bình lắng nghe "lời gan ruột" của những người đã sống và đi qua chiến tranh. 

Nhóm nội dung chương trình đều thuộc thế hệ 8X, 9X - chúng tôi đều không có ký ức về chiến tranh. Từ 2 tháng trước - chúng tôi đã triển khai tìm kiếm các câu chuyện, nhân vật cho chủ đề tưởng rất cũ vì năm nào cũng nói, nhưng lại phải làm sao cho hấp dẫn, xúc động. Chúng tôi đã đi đến nhiều tỉnh thành trên cả nước: Thanh Hoá, Hà Giang, Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, An Giang… để gặp gỡ trực tiếp từng nhân vật, lắng nghe câu chuyện của họ. "Giữ được con thì mất nước, nên để cho nó đi" (người mẹ Quảng Nam 100 tuổi nuốt nước mắt tiễn con đi và không ngày gặp lại); "62 tuổi con mới được gặp cha, mà chỉ là một nấm mộ thôi cha ơi" (người con gái 62 tuổi chỉ biết về cha qua một tấm di ảnh để lại); "Chúng tôi quyết tâm, phải tìm được đến người cuối cùng để đưa về Tổ Quốc (người cựu chiến binh An Giang hơn 22 năm miệt mài tìm mộ đồng đội nơi đất bạn Campuchia) … - những câu nói ấy khiến chính người làm phóng sự còn không cầm được nước mắt. Chúng tôi chỉ chuyển tải hết những "nỗi đau thời chiến" ấy - một cách chân thực, giản dị nhất đến khán giả. 

Ngay trước khi chương trình lên sóng một ngày, các phóng sự vẫn phải cắt gọt. Ngay sáng ngày lên sóng, âm nhạc vẫn còn chỉnh sửa - tất cả đều vì mục đích "chạm" đến khán giả - nhất là những người trẻ, để họ hiểu "giá trị của hoà bình" đổi bằng máu xương bao người. 

Tác giả kịch bản cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình": "Chúng tôi đã làm chương trình với rất nhiều áp lực" - Ảnh 2.

Hình ảnh ê-kip ghi hình cho chương trình "Khúc tráng ca hoà bình". (Ảnh: NVCC)

Là một chương trình mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, được dư luận đặc biệt quan tâm, chị cùng ê-kip của mình có cảm thấy áp lực khi đảm nhận việc thực hiện chương trình này? 

-  Chúng tôi áp lực chứ! Áp lực từ nhiều thứ. Làm cầu truyền hình tại 6 điểm cầu - làm sao để không chỗ đậm, chỗ nhạt, nói vừa mà đủ chạm, để nội dung có sức nặng, âm nhạc dẫn dắt cảm xúc mà người xem không thấy "chán", thấy "nhàm". Nhóm nội dung cân lên, đặt xuống nhiều chi tiết - giữ rồi lại bỏ, tìm rồi lại thay mới… Có lúc chúng tôi cũng định tặc lưỡi là hay thôi, mà rồi mỗi người lại "động viên nhau" đi tiếp. 

Có lẽ, chúng tôi áp lực lớn nhất về nội dung, phải làm sao để không phụ lòng "các anh, các chú, các cô, các chị" đã ngã xuống vì hoà bình. Chúng tôi luôn nghĩ làm chương trình này là vì họ - vì những hi sinh không đong đếm được của họ. Kỹ thuật, tín hiệu khớp nối sao cho giữ được hiệu quả cũng là áp lực. 15 phút trước sóng, cầu An Giang mưa trắng trời. Trước đó đêm tổng duyệt, sân khấu An Giang mưa to, nước ngập sân khấu không thể chạy được tổng duyệt đủ âm thanh, ánh sáng. Nhưng có lẽ chính các anh, các chú, các cô, các chị đã phù hộ để khi lên sóng, mưa tạnh, trời quang - tất cả các điểm cầu đều thuận lợi lên sóng và làm nên một "Khúc tráng ca hoà bình" thật cảm xúc. 

Tác giả kịch bản cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình": "Chúng tôi đã làm chương trình với rất nhiều áp lực" - Ảnh 3.

Tác giả kịch bản cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình": "Chúng tôi đã làm chương trình với rất nhiều áp lực" - Ảnh 3.

Giọt nước mắt của một nhân vật trong "Khúc tráng ca hoà bình". (Ảnh: NVCC)

Cuộc đoàn tụ đặc biệt của 33 gia đình khiến nhiều khán giả nghẹn ngào. Ekip đã phải thực hiện điều này trong bao lâu và có những khó khăn nào trong quá trình thực hiện? 

- Chúng tôi không có câu chuyện này khi bắt tay làm kịch bản, theo chân các anh đội quy tập ở Lào, Campuchia suốt một tháng và "cơ duyên" đưa chúng tôi đến thông tin này. Chúng tôi có trong tay bản danh sách thông tin 33 liệt sĩ xác định được thông tin của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cùng các tỉnh có trong danh sách để kết nối đến các gia đình. 

Trải qua nhiều cuộc điện thoại với các gia đình có trong danh sách, chúng tôi tìm gặp được con gái liệt sĩ Đinh Công Thảo và quyết định sẽ thực hiện phóng sự về nhân vật này. Như đã xem trên phóng sự, ngày đoàn tụ ấy đã đến sau hơn 60 năm chờ đợi, mong mỏi tìm kiếm - cũng là điểm nhấn cảm xúc của chương trình. 

Chưa dừng lại đó, chúng tôi liên lạc với Đôi quy tập K93 để tìm xem liệu còn kỉ vật nào được lưu giữ - và chiếc kẹp tóc duy nhất được lưu lại làm đầu mối dẫn chúng tôi đến với gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Bân. Chỉ trước 2 tuần chương trình lên sóng, chúng tôi mới tìm được kỷ vật này để chuẩn bị cho phần bất ngờ của "Khúc tráng ca hoà bình".

Tác giả kịch bản cầu truyền hình "Khúc tráng ca hoà bình": "Chúng tôi đã làm chương trình với rất nhiều áp lực" - Ảnh 4.

Ekip thực hiện chương trình hạnh phúc sau khi cầu truyền hình được công chúng đón nhận. (Ảnh: NVCC)

Có điều gì khiến chị còn tiếc nuối sau khi chương trình lên sóng?

- Vì áp lực thời lượng mà chúng tôi còn rất những điều muốn nói nhưng chưa thể nói. Mảng đề tài 27/7 là một biển mênh mông những đau đáu, những nỗi buồn, những mất mát… "Khúc tráng ca hoà bình" mới chỉ chạm đến một phần nhỏ và chẳng có một chương trình đơn lẻ nào có thể chuyển tải hết được. 

Chúng tôi chỉ mong chúng ta không chỉ đến 27/7 mới tưởng nhớ hay tri ân mà hãy luôn khắc ghi để "lịch sử" không chỉ nằm trên sách vở, hay trong ký ức của những người đi trước, mà nó được viết tiếp và gìn giữ bởi những người trẻ hôm nay!

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem