Phân bón - nông sản: Luôn ở thế ngược chiều
Trên thực tế, chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác (gồm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giá xăng dầu, nhân công, vận chuyển…) đã tăng gấp đôi thậm chí nhiều hơn, thế nhưng giá đầu ra sản phẩm lại giảm nghiêm trọng và đôi khi càng làm càng lỗ.
Thực trạng này đã và đang làm cho mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp trở nên căng thẳng. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp đặt ra là gì để có thể kéo gần khoảng cách này nhằm hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và nhà nông.
Trong bối cảnh kinh tế nước nhà hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, một sự chấn động nhẹ bên ngoài cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng. Với nông nghiệp, lạm phát tăng cao toàn cầu, không chỉ phân bón mà hầu hết hàng hóa phục vụ đầu vào của sản xuất trên thế giới đều tăng phi mã do tác động mạnh của Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu… Có thể kéo giảm giá phân bón trong nước bảo đảm nông nghiệp ổn định không?
Câu trả lời hiện tại là không, bởi giá phân bón Việt Nam đang tương đương mặt bằng chung trên thị trường thế giới. Chẳng phải doanh nghiệp không tích cực điều chỉnh giá để chia sẻ gánh nặng với nhà nông nhưng bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân bón lại không có thẩm quyền giảm thấp hơn giá bán ngoài thị trường nếu chưa có chỉ đạo từ cơ quan chủ quản cùng lý do hợp lệ, chính đáng, có pháp lý rõ ràng.
Vốn điều lệ của hầu hết các doanh nghiệp này (nhất là với mặt hàng ure) đều 100% vốn nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 51%. Vì vậy họ phải hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông với thẩm quyền cao nhất.
Doanh nghiệp mà tự ý bán giá phân bón thấp hơn thị trường khi chưa có quyết định hợp pháp sẽ kéo theo rất nhiều rắc rối, hệ lụy về sau bởi ngành phân bón Việt Nam có thị trường mở, nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng bên cạnh nhập khẩu tự doanh thêm cho nên rất đa dạng và tự do.
Trong khi đó, doanh nghiệp không trực tiếp phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà thông qua hệ thống đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3 rộng khắp các tỉnh, thành phố. Một khi doanh nghiệp điều chỉnh giá bán thấp hơn thị trường, người thực thi là các đại lý thì cơ chế chính sách, chế tài giám sát, quản lý chặt chẽ bảo đảm tính đúng đắn, bảo đảm quyền lợi khách hàng dường như bất khả thi.
Bên cạnh đó, hiện nay nếu doanh nghiệp tự bán giá thấp hơn thị trường thì sau này công tác kiểm toán, thanh tra diễn ra sẽ khó mà “minh oan” rằng mình “vô tư, khách quan” và đơn thuần vì quyền lợi người khác, thậm chí không tránh khỏi nguy cơ bị quy trách nhiệm móc nối với các đại lý để ăn chênh lệch ngoài hợp đồng, thất thoát tài sản Nhà nước và làm hại nền kinh tế.
Hiện các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước đều phải mua khí đốt và than (vốn chiếm đến 70% giá thành sản xuất ure) theo giá thị trường cho nên đầu ra sản phẩm cũng theo giá bán thị trường.
Cần hỗ trợ nông dân bằng chính sách
Tuy nhiên, việc nông dân kiến nghị giá phân bón tăng quá cao, trong khi giá nông sản thấp khiến bà con thua lỗ cũng là hoàn toàn chính đáng cho nên rất cần có sự thấu hiểu và sẻ chia từ nhiều phía. Theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, giá bán phải xây dựng theo giá bình quân của 4 thị trường thế giới.
Nhưng nếu các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi người nông dân bằng cách tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực (thông qua các chương trình như bỏ phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, tặng phân bón chất lượng cao, hướng dẫn canh tác hợp lý…) có thể giúp nông dân giảm thiểu gánh nặng về vật tư đầu vào, yên tâm canh tác và nâng cao giá trị nông sản.
Trong trường hợp gỡ khó về giá phân bón, một số chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm tại một số quốc gia, họ sẽ chọn cách hỗ trợ nông dân thông qua các chính sách trợ giá thu mua nông sản hoặc trợ giá vật tư đầu vào. Tất nhiên, việc trợ giá không được đi ngược các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, các FTA.
Cũng giống như mặt hàng xăng dầu, một số chuyên gia kiến nghị, nếu muốn hạ giá phân bón ngay tức thì, Chính phủ, Quốc hội mới có đủ thẩm quyền để ban hành các nghị quyết yêu cầu giảm giá bán phân bón hỗ trợ nông dân.
Nếu có văn bản chỉ đạo chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có vốn nhà nước chi phối chắc chắn sẽ chấp hành và tuân thủ một cách nghiêm túc, đầy đủ. Các doanh nghiệp phân bón hàng đầu như Cà Mau, Phú Mỹ, Ninh Bình, Bình Điền, Lâm Thao… vẫn đã và đang nỗ lực đồng hành khách hàng bằng nhiều phương thức. Và nếu, việc giảm giá phân bón được hợp thức hóa bằng văn bản từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối chắc chắn nghiêm chỉnh chấp hành và triển khai đầy đủ.