dd/mm/yyyy

Giá phân bón tăng cao, nông dân vào vụ trồng lúa mới mà ruột gan nóng như "ngồi trên lửa"

Nông dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4. Ở phía Bắc, nông dân đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần. Vì vậy, áp lực tăng giá phân bón khiến nông dân khắp cả nước như “ngồi trên lửa”.

Việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón trong giai đoạn này đóng vai trò rất quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước.

Phụ thuộc nhập khẩu

Hiện tại các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: Urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK… cùng nhiều loại phân bón hữu cơ khác. Cụ thể, trong năm 2021, sản xuất trong nước bao gồm các loại urea của 4 nhà máy, DAP của 2 nhà máy, phân bón chứa lân (bao gồm lân nung chảy, supe lân), các loại phân bón NPK… của hàng trăm nhà máy khác, với tổng sản lượng phân bón đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2020.

Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại từ urea, đến DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK... Trong khi 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn (bao gồm urea, NPK, phân bón hữu cơ…). 

Tuy nhiên, riêng với phân SA và kali thì Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Do đó, giá phân bón được dự báo thời gian tới sẽ tăng cao khi xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Giá phân bón cao, băn khoăn  làm vụ mới - Ảnh 1.

Nông dân xã Nhơn Hòa (huyện Tân Thạnh, Long An) đang “đau đầu” tính toán vụ sản xuất mới. Ảnh: Duy Thanh

Hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10.709.201 tấn. Ngoài ra còn có khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất.

Cụ thể, Rabobank (một ngân hàng hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm) dự đoán giá phân bón trên thế giới sẽ tăng 20 - 40%, tùy theo từng kịch bản của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, mỗi năm Nga và Belarus đang chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu.

Vì vậy, Tập đoàn Vinacam (chuyên nhập khẩu phân bón) dự báo giá kali sẽ sớm cán mức 15 - 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18 - 20 triệu đồng/tấn cho hạt miếng. Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 - 1.200USD/tấn thì kali miếng sẽ lập đỉnh mới 24 - 25 triệu đồng/tấn. Một số loại urea sản xuất trong nước cũng đang có xu hướng tăng giá hoặc nguồn cung ra thị trường bị hạn chế.

Ông Nguyễn Minh Điền (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An) cho biết, ông đang phân vân không biết có nên xuống giống vụ hè thu hay không. "Giá phân bón tăng cao quá, nếu tính toán không kỹ là xác định chết chắc" - ông nói. 

Bà Nguyễn Kim Phụng – nông dân trồng lúa ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho hay, mọi năm giá phân bón khoảng 590.000 đồng/bao thì năm nay tăng lên 800.000 đồng. "Giá phân bón tăng quá cao, trong khi giá lúa thấp hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ, nên nông dân trồng lúa có lời rất ít. Hộ nào thuê đất trồng lúa thì có khi lỗ vốn" - bà Phụng nói.

Doanh nghiệp cũng "bất lực"

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho hay, với các doanh nghiệp sản xuất phân bón có đầu vào là khí thì đương nhiên khi giá dầu tăng thì giá đầu vào phải tăng theo: "Không chỉ là giá dầu tăng khiến DN bị ảnh hưởng, do chúng tôi nhập DAP từ Nga để sản xuất NPK nên cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung sản phẩm này càng thêm khó khăn".

Nếu theo lý thuyết sản xuất NPK công suất 300.000 tấn của nhà máy, thì một năm Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau phải nhập từ 50.000 - 100.000 tấn DAP. "Nguồn chính của DAP trên thế giới là từ Nga và Trung Quốc. Mà Trung Quốc hiện tại thì đã cấm xuất khẩu rồi, còn lại là nguồn từ Maroc nhưng nước này cũng nhập ammoniac từ Nga để sản xuất DAP nhưng hiện nay cũng gặp khó. Do đó, nguồn cung DAP hiện tại là cực kỳ khó khăn" - bà Hiền chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Hiền, công ty đang nghe ngóng tình hình và có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Bởi, nếu chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng thì sẽ khó khăn, ngược lại nếu hạ nhiệt thì tình hình sẽ bớt ảnh hưởng. "Tuy nhiên, dù sao thì tình hình giao thương cũng bị ảnh hưởng ít nhất trong 6 tháng chứ không thể ổn định ngay được" - bà Hiền nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân bón ở TP.HCM nêu ý kiến, giá phân bón thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới, do đó các cơ quan chức năng nên có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó. "Trong bối cảnh giá phân vô cơ tăng cao và có khả năng leo thang thời gian tới, các địa phương cũng nên khuyến nghị nông dân tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có cho cây trồng để nâng cao hiệu quả, năng suất và cũng đồng thời giảm chi phí đầu tư" - ông này chia sẻ.


Quốc Hải