Cập nhật giá cà phê hôm nay (1/12)
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến Robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 kết thúc tuần qua ở mức 5.409 USD/tấn, tăng tổng cộng 9,1% (451 USD/tấn) trong tuần qua. Hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng mạnh hơn, với mức tăng 12,5% (614 USD/tấn), đạt 5.537 USD/tấn.
Còn trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 5,3% (15,9 US cent/pound) trong tuần qua, chốt ở mốc 318 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 cũng tăng tương tự, đạt 315,5 US cent/pound.
Kết thúc tuần qua, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 129.500 – 130.500 đồng/kg, tăng vọt 11.000 – 11.500 đồng/kg so với tuần trước.
Theo đó, giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông đang được thu mua ở mức cao nhất là 130.500 đồng/kg, tăng 11.500 đồng/kg trong tuần qua. Giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai cùng được thu mua ở mức 130.000 đồng/kg, tăng lần lượt 11.000 đồng/kg và 11.100 đồng/kg.
Còn tại Lâm Đồng, cà phê nhân xô đang có giá 129.500 đồng/kg, tăng 11.5000 đồng/kg so với cách đây một tuần. Như vậy, giá cà phê trong nước đã tăng gần 20% trong tháng 11 vừa qua và đang rất gần mức đỉnh lịch sử hơn 134.000 đồng/kg đạt được vào tháng 4 năm nay.
Giá cà phê Arabica đã đạt mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ khi nông dân Brazil chưa muốn bán trong khi các nhà đầu cơ đang đổ tiền vào thị trường. Giá đã nhận được sự hỗ trợ mạnh khi yếu tố đầu cơ được đẩy lên cao, kết hợp với sự lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính.
Cà phê Arabica và Robusta có thể thay thế nhau ở một mức độ nhất định, do đó sự thiếu hụt của một loại thường dẫn đến nhu cầu và giá cao hơn cho loại còn lại. Sản lượng cà phê của Brazil vào năm tới có vẻ đã mất một phần tiềm năng do hạn hán hồi đầu năm nay, với độ ẩm trong đất vẫn thấp mặc dù đã có mưa gần đây, và lo ngại rằng những bông hoa hiện tại có thể không bám vào cành và phát triển thành quả để thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil ước tính, sản lượng cà phê niên vụ 2024/25 của nước này ở mức 66,4 triệu bao (loại 60kg), giảm 3,5 triệu bao so với dự đoán của USDA trước đó. Tổng sản lượng giảm chủ yếu do sự sụt giảm của cà phê Arabica khi vùng sản xuất cây trồng này phải đối diện với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong suốt giai đoạn ra hoa và phát triển hạt.
Không những vậy, xuất khẩu trong vụ 2024/25 ước giảm 5% so với dự đoán trước và thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước. Đồng thời, tồn kho cuối vụ 2024/25 giảm 65% so với dự báo của USDA, xuống còn 1,24 triệu bao và tồn kho cuối niên vụ 2023/24 cũng bị cắt từ 2,88 triệu bao xuống còn 1,68 triệu bao.
Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cà phê Việt Nam, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đà tăng trên của giá cà phê tuần qua, nhưng cơ bản vẫn là cung nhỏ hơn cầu.
Sự thiếu hụt nguồn cung là có thật. Lượng cà phê tồn kho trên các sàn giao dịch quốc tế không nhiều. Có thể thấy bắt nguồn từ giá cà phê Arabica trên sàn New York tăng liên tục. Vì thị trường này lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, do tình trạng khô hạn kéo dài ở nhiều vùng trồng. Bên cạnh đó là các chính sách vĩ mô của chính phủ mới.
Cơn sốt từ sàn New York lan sang cả sàn London. Khi giá càng tăng thì nông dân trồng cà phê lại càng hạn chế bán ra nên tình trạng thiếu hàng càng trầm trọng.