Cập nhật giá cà phê hôm nay (29/11)
Giá cà phê trong nước hôm nay chưa dừng đà tăng, tiếp tục lên mức 130.700 – 131.500 đồng/kg. Giá Robusta tăng nhẹ sau khi đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng. Các yếu tố địa chính trị như gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ, khả năng áp thuế của Mỹ và những quy định về chống phá rừng trong tương lai của Liên minh châu Âu (EU) đã góp phần hỗ trợ giá cà phê.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 01/2025 trên sàn London tăng 0,6% lên mức 5.565 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng ở 5.613 USD/tấn trong đầu phiên giao dịch.
Ghi nhận trong sáng ngày 29/11, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 130.700 – 131.500 đồng/kg, tiếp tục tăng mạnh 3.000 – 3.300 đồng/kg so với ngày hôm qua và cách không quá xa so với mức đỉnh lịch sử 134.400 đồng/kg đạt được vào tháng 4 năm nay.
Trong đó, các đại lý tại tỉnh Đắk Nông đang thu mua cà phê ở mức cao nhất là 131.500 đồng/kg, tăng 3.300 đồng/kg. Theo sau là giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk với 131.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai cũng đang được thu mua ở mức 131.000 đồng/kg, tăng 3.100 đồng/kg. Còn tại Lâm Đồng, giá cà phê được giao dịch ở mức 130.700 đồng/kg, tăng 3.200 đồng/kg.
Sàn New York đã đóng cửa nghỉ Lễ Tạ ơn của Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng mạnh trước đó – đánh dấu 7 phiên tăng liên tiếp của giá Arabica, lên mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ đã thúc đẩy giá Robusta.
Nhà phân tích Carlos Mera của Rabobank nhận định, ngoài các yếu tố địa chính trị, các yếu tố thúc đẩy đợt tăng giá lần này khá phức tạp, gồm cả lo ngại về sản lượng của Brazil trong mùa vụ 2025/26, cùng với các thách thức về vận chuyển và logistics.
Dù giá đang ở mức rất cao và tăng mạnh so với cùng kỳ nhiều năm, nhưng giá cà phê vẫn không ngừng tăng. Hiện tại, giá cà phê Robusta và Arabica đang ở mức rất cao so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Đáng chú ý, các phiên giao dịch gần đây cho thấy những kỳ hạn càng xa giá càng tăng mạnh. Điều này thể hiện thị trường đang hiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.
Brazil và Việt Nam là hai nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong đó, Brazil tập trung vào hạt Arabica cao cấp và Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường Robusta với giá rẻ hơn. Mùa thu hoạch cà phê tại Việt Nam bắt đầu chậm lại. Số lượng hạt cà phê mới thu mua từ nông dân cho đến nay thấp hơn nhiều so với trước.
Cơn sốt cà phê hiện nay là diễn biến bất ngờ được lí giải do thị trường Trung Quốc đẩy mạnh thu mua với thỏa thuận mới đây của hãng cà phê Luckin Coffee (Trung Quốc) với các nguồn cung từ Brazil. Theo thỏa thuận này, hãng cà phê của Trung Quốc sẽ mua đến 240.000 tấn cà phê mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2025 - 2029. Đây là kế hoạch thu mua hạt cà phê lớn nhất trong lịch sử của Luckin Coffee.