Clip: Một số hoạt động của cô trò Trường Mầm non Họa Mi xã Mường Khoa.
Bắc Yên đổi mới phương pháp dạy và học
Trong những năm qua, huyện Bắc Yên đã thực hiện cơ bản triệt để việc dồn ghép, sáp nhập các điểm trường lẻ ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) có khoảng cách gần trường chính, các điểm lẻ ở gần nhau, có điều kiện về giao thông, cơ sở vật chất và có quy mô số lớp, học sinh ít với nhau.
Thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", tập trung cao việc dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng liên bản, đưa học sinh các khối lớp 3-4-5 tại các điểm trường lẻ có sĩ số học sinh/lớp thấp về các điểm trường chính để học tập trung, tiến tới dạy học từ 8 buổi/tuần trở lên.
Tập trung thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học; khuyến khích khả năng tư duy độc lập, sáng tạo học sinh; quan tâm đến các trường vùng khó, trường bán trú, nội trú.
Chú trọng công tác chuyên môn, tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức dự giờ, thăm lớp đối với cán bộ quản lý, giáo viên thường xuyên, sinh hoạt chuyên đề, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn, tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên; quá trình đánh giá tiết dạy phải đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Khuyến khích sự sáng tạo, động cơ học tập tích cực, ý thức tự học của học sinh, đảm bảo giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng bài học.
Phòng GDĐT huyện Bắc Yên thường xuyên chỉ đạo các trường triển khai tới từng từng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đăng ký chỉ tiêu của lớp mình, môn mình dạy và có biện pháp cụ thể. Hàng tuần, giáo viên phải có kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu của lớp mình phụ trách, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Thường xuyên kiểm tra theo từng tháng, học kỳ và có sự chỉ đạo kịp thời cho từng giáo viên nhằm đạt kế hoạch đề ra; quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy học như: soạn giáo án trên máy vi tính, sử dụng giáo án điện tử và khai thác có hiệu quả các ứng dụng qua mạng Internet vào trong quá trình dạy học.
Các nhà trường tích cực tham mưu tăng cường cơ sở vật chất phục vụ tốt cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đảm bảo đủ mỗi lớp 1 phòng học có đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 1, 2, 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiến hành sửa chữa, cải tạo, xây dựng bổ sung 12 công trình, hạng mục công trình phục vụ năm học mới bằng nguồn vốn sự nghiệp giáo dục với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng. Chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tu sửa cơ sở vật chất, điều chuyển bàn ghế giữa các trường phục vụ năm học. Hiện tại toàn huyện có 778 phòng học (trong đó: kiên cố 553, bán kiên cố 212, phòng học nhờ 13), 38 phòng học bộ môn, 5 nhà đa năng, 45 phòng hội đồng, 38 phòng thư viện, 5 phòng thí nghiệm, 296 phòng bán trú học sinh, 300 phòng công vụ giáo viên, 250 phòng chức năng khác.
Chất lượng giáo dục của Bắc Yên ngày càng nâng lên
Năm học 2021-2022, các trường đã linh hoạt tổ chức dạy học qua Internet, qua trên truyền hình, qua zoom phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của dịch Covid-19 và phù hợp với điều kiện của từng trường, bảo đảm kiến thức có chất lượng, bảo đảm kế hoạch thời gian năm học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục bậc mầm non, tiểu học ngày càng được nâng lên.
Duy trì bền vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; số trẻ trong độ tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 100 %; tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non đạt 100 %; tỷ lệ trẻ 5-6 tuổi dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh hoàn thiện chương trình THCS và bổ túc THCS năm học 2021 - 2022 đạt 99,8%.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học 2021-2022, có 31 thí sinh đạt giải, trong đó: 2 giải nhất, 6 giải nhì, 11 giải ba, 12 giải khuyến khích; thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 18/48 học sinh dự thi đạt giải, đạt 37,5% tăng 19,9% so với năm học trước. Ngoài ra, 5 dự án tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh THCS cấp tỉnh, có 3 dự án đạt giải.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học trong năm học, các cấp ủy đảng đã vào cuộc cùng phối hợp với các đơn vị trường học tuyên truyền, vận động con em ra lớp, tổ chức tốt công tác nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú; tiếp tục triển khai cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt".
Nhờ vậy, đã góp phần huy động tối đa trẻ ra lớp, hạn chế tình trạng bỏ học, bỏ giờ, bỏ tiết, tạo điều kiện cho trẻ có quỹ thời gian nhiều hơn dành cho việc học. Đồng thời, giúp các em được giao lưu, học hỏi và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao thường xuyên hơn, nhờ vậy trẻ học tốt hơn, đồng thời được rèn luyện một số kỹ năng về chăm sóc cho bản thân,…
Năm học 2022 - 2023, huyện Bắc Yên có 46 đơn vị trường học (tách trường TH-THCS thị trấn và trường PTDTBT TH-THCS Hồng Ngài). Trong đó, 16 trường mầm non, 12 trường tiểu học, 12 trường THCS, 4 trường TH-THCS, 2 trường THPT và 1 trường PTDT Nội trú THCS-THPT) và 1 Trung tâm GDTX tăng 2 trường so với năm học trước, với hơn 20.800 học sinh.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng GDĐT huyện Bắc Yên, cho biết: Phòng tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn theo Luật Giáo dục mới, đảm bảo cho việc thực hiện Chương trình phổ thông mới. Tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho dạy và học theo yêu cầu giáo dục, đào tạo giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, quan tâm đến cơ sở vật chất của các đơn vị trường xây dựng trường chuẩn Quốc gia, nâng dần tỷ lệ phòng học kiên cố. Phấn đấu đến năm học 2022 -2023, có thêm 4 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.