dd/mm/yyyy

Điện Biên: Hội viên, nông dân chung tay xây dựng Nông thôn mới

Trong những năm qua, thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên, có đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn.

Các cấp Hội ở Điện Biên nâng cao hiệu quả lãnh đạo phong trào

Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự chỉ đạo của tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Điện Biên, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh; chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, ban hành các văn bản nhằm chỉ đạo các cấp Hội tuvên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân triển khai thực hiện các phong trào nông dân tham gia xây dựng NTM…

Điện Biên: Hội viên, nông dân chung tay xây dựng Nông thôn mới   - Ảnh 1.

Hội viên nông dân xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tham gia tu sửa đường giao thông liên bản. Ảnh: Ngọc Đức

Từ đó đã góp phần chuyển biến tích cực làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới về mọi mặt, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của nông dân từng bước được cải thiện, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, đại bộ phận nông dân phấn khởi, yên tâm tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, đã có 44 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (trong đó có huyện Điện Biên phấn đấu đến năm 2025 huyện cơ bản đạt huyện NTM).

Mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi hơn một số địa bàn khác ở huyện Tuần Giáo, nhưng nhiều năm trước, nhận thức người dân còn hạn chế nên việc huy động sức dân chung tay xây dựng NTM ở xã Chiềng Sinh gặp không ít khó khăn. Song những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp cụ thể, nhất là khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tư duy, nhận thức của hội viên, nông dân và nhân dân đang từng ngày đổi thay, đã ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc đồng hành cùng Nhà nước xây dựng NTM ở địa phương.

Nông dân Điện Biên đồng lòng hưởng ứng NTM

Bà Lò Thị Thinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Sinh cho biết: Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, xã đã lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động, như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; vệ sinh môi trường nông thôn, gắn với xây dựng NTM... 

Đặc biệt, phát huy vai trò nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM, mấy năm gần đây, xã Chiềng Sinh huy động 100% sức dân hiến đất, hiến của, hiến ngày công lao động để bê tông hóa giao thông nông thôn. Đến nay, 7/7 bản có đường ô tô đi lại thuận lợi cả 2 mùa; trong đó, hơn 70% đã được bê tông hóa, phấn đấu đến 2024 tỷ lệ bê tông hóa giao thông nội bản của xã đạt gần 100%.

Điện Biên: Hội viên, nông dân chung tay xây dựng Nông thôn mới   - Ảnh 3.

Huyện Điện Biên phấn đấu đến năm 2025 huyện cơ bản đạt huyện NTM. Ảnh: Thu Hường

Với sự phấn đấu nỗ lực của hội viên, nông dân từng chi, tổ hội để bản, xã được công nhận bản NTM, đầu năm 2022 bản Hin 2 xã Na Sang huyện Mường Chà, đã được công nhận là bản nông thôn mới (NTM). Để có được kết quả đó, ngoài vai trò của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì vai trò của nhân dân là rất quan trọng. Họ tự nguyện hiến đất, hiến ngày công, hiến tiền của để xây dựng đường bê tông nội bản.

Nhiều người dân cho biết trước con đường ở bản nhỏ và hẹp, không rộng rãi, sạch sẽ như bây giờ, thời điểm đó, khi mới đưa chủ trương xây dựng NTM về bản, nông dân còn e ngại không tin. Nhưng sau khi được cán bộ Hội Nông dân, huyện, xã trực tiếp tuyên truyền, vận động, "mưa dầm thấm lâu", hội viên, nông dân và người dân đã dần hiểu ra xây dựng NTM là xu thế tất yếu, trong đó chính họ là chủ thể thụ hưởng trực tiếp. Nhờ vậy mà các gia đình cùng nhau tự nguyện hiến đất, làm đường. Đến nay, người dân trong bản đã hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng trăm ngày công xây dựng 1,2km đường bê tông nội bản. Nhờ đó, bản đã trở thành là một trong những bản đạt chuẩn NTM đầu tiên của xã Na Sang.

Không chỉ tự nguyện hiến công, hiến của, hội viên, nông dân và nhân dân trong bản còn ý thức được lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Bởi vậy mà bà con lại sắp xếp thời gian cùng nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp vào ngày 14 hàng tháng.

Điện Biên: Hội viên, nông dân chung tay xây dựng Nông thôn mới   - Ảnh 4.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, bản được bê tông hoá. Ảnh: Thu Hường

Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", đặc biệt, trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò là chủ thể, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả cao. Điển hình như nhân dân huyện Mường Chà tích cực chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng dứa; nhân dân huyện Mường Ảng tham gia vào các dự án trồng cây ăn quả (cà phê, bưởi, xoài, mít...); nhân dân huyện Điện Biên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

Nói về sức dân trong xây dựng NTM, ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Giờ đây thay vì tư tưởng trông chờ, ỷ lại, hội viên, nông dân trong tỉnh đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng chung tay xây dựng NTM".

Năm 2022, cộng đồng dân cư trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, góp nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng... Từ đó góp phần nâng số xã trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn, đến hết tháng 6 năm 2023 có 44/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 52 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 14 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, số tiêu chí bình quân đạt 13,51 tiêu chí/xã, có 122 thôn bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu (tăng 39 thôn, bản); thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm gấp 1,3 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 36,57%. Riêng xã Nay Lưa thị xã Mường Lay đang trình hồ sơ để được công nhận xã NTM nâng cao.

Thu Hường