Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân Điện Biên
Để có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đơn vị, Sở Lao động Thương binh – Xã hội Điện Biên cùng Hội nông dân tỉnh đã ký quy chế phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên nông dân. Sở Lao động Thương binh – Xã hội đã tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Những người có đủ điều kiện, muốn tham gia các lớp đào tạo nghề để có thêm kiến thức, phát triển kinh tế được đơn vị ưu tiên.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội Điện Biên thì Điện Biên là tỉnh nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hơn nữa gần 90% là đồng bào dân tộc. Vì thế cơ hội tiếp cận việc đào tạo nghề còn nhiều khó khăn. Sở Lao động Thương binh – Xã hội sẽ ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng thuộc người dân tộc thiểu sổ, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Sau khi đào tạo sẽ giúp nông dân có cơ hội tìm kiếm việc làm, vươn lên làm thoát nghèo.
Trên cơ sở đó, Sở Lao động Thương binh – Xã hội Điện Biên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị của Hội Nông dân tỉnh. Liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng chủ yếu được mở tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm, hướng đi, kinh nghiệm của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề với nông dân Điện Biên
Xác định hoạt động dạy nghề giúp lao động tiếp thu được kiến thức mới, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9, Sở Lao động Thương binh – Xã hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 11 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 385 lao động nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Với các ngành nghề được đào tạo như: kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế biến nấm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây lúa; kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
Sau thời gian học nghề, học viên nắm được các quy trình, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thực hành thành thục các thao tác kỹ thuật, chủ động triển khai vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt 85%. góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo ông Vũ Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Điện Biên thì dân số Điện Biên có trên 63 vạn người, trong đó dân số nông thôn hơn 53 vạn. Tuy nhiên số lao động đã qua đào tạo rất ít, vì thế công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm. "Hiện nay phần lớn lao động của Điện Biên là lao động phổ thông, chưa được đào tạo nghề. Để lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản hay ít nhất là được đào tạo, tập huấn các kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi thì cần các cấp, ngành vào cuộc. Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, ký quy chế phối hợp trong các lĩnh vuẹc, nhưng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn" ông Vũ Văn Đức cho biết thêm.
Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động đã tìm kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp, công ty trong cả nươc. Nhiều học viên sau khi được đào tạo nghề đã tự mở cửa hàng hay mở trang trại trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Hiện toàn tỉnh có 3.150 hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng trở lên, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Điện Biên thì thời gian tới, đơn vị cùng Hội Nông dân Điện Biên và các sở, ngành khác tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của nông dân. Giúp lao động nông thôn tiếp cận được những kiến thức mới, từ đó áp dụng vào phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.