dd/mm/yyyy

Đào tạo nghề là giải pháp giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân Nậm Nhùn

Để nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, những năm gần đây, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.


Video: Một giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của huyện Nậm Nhùn ở Lai Châu.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chia sẻ với báo Nông thôn Ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, ông Vũ Thế Tiến, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Chúng tôi luôn xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Để sớm đạt những mục tiêu đề ra, một mặt chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bà con về những lợi ích, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề. Mặt khác, chúng tôi tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, qua đó giúp bà con từng bước nhận thức rõ hiệu quả sau khi được đào tạo, khi thấy được hiệu quả kinh tế do đào tạo nghề mang lại, bà con đã rất tích cực tham gia.

Đây là giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của huyện Nậm Nhùn ở Lai Châu - Ảnh 2.

Để đạt mục tiêu nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, những năm gần đây, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn từ địa phương. Ảnh: Tuấn Hùng

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thời gian qua người dân bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn đã tham gia lớp đào tạo nghề nuôi ong lấy mật. Lớp học do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Nhùn tổ chức với hình thức cầm tay chỉ việc. 30 học viên trong bản đã được các giáo viên hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản trong nuôi ong như: chăm sóc, phòng, chống bệnh và thu mật.

Đây là giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của huyện Nậm Nhùn ở Lai Châu - Ảnh 3.

Công tác đào tạo nghề của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) những năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó gó phần giúp người dân có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước thay đổi phương thức sản xuất... Ảnh: Tuấn Hùng

Chia sẻ với chúng tôi, anh Mùa A Phừ, bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu hồ hởi cho biết: Tham gia lớp nuôi ong này chúng tôi được các thầy cô hướng dẫn cụ thể các kỹ thuật nuôi ong. Trước đây, do không có kỹ thuật nên tôi thấy rất lúng túng, từ khi được đào tạo tôi thấy nuôi ong không khó, cứ làm đúng theo kỹ thuật đã được hướng dẫn lại thấy đơn giản.

Bản tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, do đó tôi đã mạnh dạn tham gia, thời gian tới tôi sẽ rộng quy mô để nâng cao thu nhập. Từ khi nuôi ong, tôi và gia đình rất vui vì có thêm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.

Đào tạo nghề sát với thực tiễn

Qua câu chuyện với ông Vũ Thế Tiến, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Nhùn, chúng tôi hiểu thêm về cách làm đã và đang được Trung tâm triển khai, trong đó điểm nhấn là việc trung tâm rất chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tiễn từng địa phương.

Tính đến thời điểm này, huyện Nậm Nhùn đã tổ chức được 5 lớp đào tạo nghề với 140 chỉ tiêu. Trong đó, chủ yếu là các ngành nghề về phát triển nông nghiệp như: nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, nuôi ong, trồng cây quế. Các lớp đào tạo đều được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.

Đây là giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của huyện Nậm Nhùn ở Lai Châu - Ảnh 4.

Huyện Nậm Nhùn là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, trong đó nghề nuôi ong lấy mật đang được bà con nông dân lựa chọn để phát triển và mở rộng, qua đó nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Tuấn Hùng

Để đạt được kết quả đó, một mặt huyện Nậm Nhùn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Mặt khác, huyện cũng xây dựng kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn xuất phát từ nhu cầu của người học và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó dạy nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; chú trọng dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.

Hàng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đều cử cán bộ, giáo viên phụ trách địa bàn, phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng, các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người dân để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh sát với thực tế.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Nậm Nhùn những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng mừng, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn. Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Vũ Thế Tiến, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nay chúng tôi gặp không ít khó khăn như về cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề… do vẫn nằm trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện nên phần nào chưa đáp ứng được cho công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đây là giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của huyện Nậm Nhùn ở Lai Châu - Ảnh 6.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang được huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tiễn của từng địa phương, nhờ đó đã đạt được những kết quả rất đáng mừng. Ảnh: Tuấn Hùng

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của đào tạo nghề; thường xuyên vận động nhân dân tham gia các mô hình, dự án. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành rà soát nhu cầu học của nhân dân…

"Có thể nói rằng, hiệu quả công tác đào tạo nghề nông thôn là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu quốc gia và phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho người lao động. Chúng tôi sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Tiến hồ hởi bày tỏ.

Tuấn Hùng, Văn Chiến