Thứ Tư, ngày 05/02/2025 02:48 PM (GMT+7)

Cách nông dân Sơn La làm cho cây cà phê "trẻ" lại, ra quả sai trĩu cành

2025-02-05 14:48:11

Những năm qua, thành phố (Sơn La) đã nỗ lực hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo lại diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa, giống cũ năng suất và chất lượng thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao cho hội viên nông dân.

Nông dân tham gia dự án cải tạo vườn cà phê

Về các xã Chiềng Đen, Hua La, Chiềng Cọ của thành phố Sơn La (Sơn La), chúng tôi bắt gặp những nương cà phê xanh mướt trải dài khắp các sườn đồi. Thành phố Sơn La đã trở thành một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Sơn La. Cây cà phê đã giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích cà phê của bà con nông dân đã canh tác lâu năm, dẫn đến cây bị già cỗi, cho năng suất thấp, làm ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Trước tình trạng trên, thành phố Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cà phê: Cải tạo vườn, cắt đốn, trồng mới, áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học vào canh tác.

Vùng trồng cà phê tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Cách đây hơn một năm về trước, nương cà phê rộng hơn 1 ha của gia đình ông Lèo Văn Xuấn, bản Lụa, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) có nhiều cây bị già cỗi, sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp. Được tham gia mô hình "Canh tác cà phê thông minh" do Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - Ninh Bình triển khai, nương cà phê của gia đình ông Xuấn đã được phục hồi và năng suất trở lại bình thường.

Ông Xuấn chia sẻ: Gia đình tôi canh tác cà phê đã được hơn 20 năm nay. Vườn cà phê của gia đình có tỉ lệ cây bị già cỗi khá cao, mật độ trồng dày hơn nên năng suất kém. Từ khi tham gia mô hình, được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón hợp lý, vườn cà phê của gia đình tôi phát triển tốt, cho năng suất hơn hẳn, đem lại hiệu quả kinh tế tốt cho gia đình.

Mô hình "Canh tác cà phê thông minh niên vụ" tại xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Không chỉ gia đình ông Xuấn, nhiều diện tích cà phê của các hộ gia đình khác trên địa bàn thành phố Sơn La cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Lèo Văn Hươi, bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) chia sẻ: Gia đình canh tác hơn 2 ha cà phê. Thời điểm này, nương cà phê của gia đình đã cho thu hoạch xong. Để chuẩn bị cho một mùa mới, được các cơ quan chuyên môn vận động tuyên truyền, tôi rất quan tâm đến công đoạn vệ sinh nương cà phê, tỉa cành, loại bỏ những cành sâu bệnh, không có khả năng ra hoa, đậu quả.

"Gia đình thu hái xong tới đâu là bố trí người đi theo cắt cành đến đó. Làm như vậy, cây cà phê không phải nuôi những cành không có khả năng cho quả sau này, cây nhanh phục hồi hơn", ông Hươi nói.

Ông Lèo Văn Hươi, bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân phát triển cà phê bền vững

Thành phố Sơn La (Sơn La) có diện tích cà phê 5.135 ha, đứng thứ 2 toàn tỉnh Sơn La. Để hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng cà phê, những năm qua, thành phố Sơn La đã cùng với người dân tái canh cà phê bằng những loại giống mới, năng suất cao, đảm bảo phát triển cà phê bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn nông dân thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo bằng giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao đối với diện tích già cỗi, cây sinh trưởng kém, không hiệu quả.

Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển cà phê đặc sản tại địa bàn các xã có điều kiện đất đai, tự nhiên tốt như: Xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ… Đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 3.000 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao, sản lượng 6.000 - 6.500 tấn cà phê nhân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đẩy mạnh hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố Sơn La cho biết, Trung tâm đã rà soát diện tích cà phê già cỗi để áp dụng biện pháp đốn tỉa, ghép cải tạo bằng giống cà phê mới. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê, xây dựng các mô hình thí điểm; vận động nhân dân sử dụng các giống cà phê chè đã được cấp quyết định công nhận lưu hành, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Đối với các vườn cà phê già cỗi trên 25 năm tuổi, sinh trưởng kém, năng suất thấp sẽ vận động nhân dân trồng mới. Những vườn cà phê trong giai đoạn kinh doanh, cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1,2 tấn nhân/ha/năm, áp dụng cưa phục hồi hoặc ghép cải tạo bằng một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao.

Nhưng năm qua, từ phát triển cây cà phê đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc

Từ năm 2023 đến nay, thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững cho hàng trăm lượt nông dân tại các xã, phường. Đến nay, thành phố đã trồng mới và tái canh 135 ha cà phê, bằng các giống THA1, H1, TN1... vượt 85 ha so với kế hoạch.

Bên cạnh tái canh diện tích cà phê, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã phối hợp với các đơn vị, các xã, phường, doanh nghiệp xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cà phê chất lượng cao, thực hiện canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest Alliance, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và bảo vệ môi trường. Niên vụ 2023-2024, Thành phố có 5.135 ha cà phê; xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 300 ha; xuất khẩu khoảng 2.000 tấn cà phê nhân, giá trị ước đạt 10,63 triệu USD.

Thành phố Sơn La phấn đấu năm 2025, thực hiện tái canh khoảng 50 ha cà phê, góp phần nâng cao chất lượng cà phê, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Văn Ngọc
Vùng đất biên giới phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng

Vùng đất biên giới phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng

Sông Mã là một trong những huyện có điều kiện phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La. Những năm qua, địa phương này đã tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, phục vụ xuất khẩu.

Nông dân vùng cao tích cực chăm sóc rau màu phục vụ thị trường Tết

Nông dân vùng cao tích cực chăm sóc rau màu phục vụ thị trường Tết

Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ các loại rau, củ, quả tăng cao; các HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, đa dạng các loại rau xanh an toàn, chất lượng để phục vụ thị trường.

Phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của Sơn La

Phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của Sơn La

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo ra một làn gió mới cho kinh tế nông thôn của tỉnh Sơn La, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.