Thứ Năm, ngày 23/01/2025 06:59 AM (GMT+7)

Phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của Sơn La

2025-01-23 06:59:56

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo ra một làn gió mới cho kinh tế nông thôn của tỉnh Sơn La, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP

Mường La một trong những địa phương của tỉnh Sơn La có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Những năm qua, địa phương này đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các xã rà soát, thẩm định, kiểm tra đánh giá thực tế, định hướng các hộ nông dân, HTX nông nghiệp chủ động tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Đồng thời, hỗ trợ các HTX, người dân xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu; chuyển đổi số; đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc và xây dựng Website giới thiệu sản phẩm; in ấn bao bì, tem nhãn sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Mường La đã phân bổ hàng trăm triệu đồng về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ 4 HTX tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, hỗ trợ 4 HTX cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ 1 HTX chi phí in ấn bao bì, tem nhãn sản phẩm; hỗ trợ 1 HTX in tem QrCode truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Huyện Mường La, Sơn La có tiềm năng lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: Năm 2024, huyện duy trì 9 sản phẩm OCOP, gồm: Mật ong đá Chiềng Lao đạt 4 sao; các sản phẩm 3 sao: Táo đại Hưng Thịnh; thúa ố Mường Chùm; trà hoa đu đủ; xoài hôi Mường La; cá chép gù Ngọc Chiến hun khói, cá thơm (cá chép gù) sơ chế, thịt bò hun khói, gạo nếp tan Ngọc Chiến.

Ngoài ra, tuyên truyền, vận động, rà soát các sản phẩm có tiềm năng phát triển như: Táo sấy dẻo, thịt lợn một nắng, thực phẩm chức năng, rượu men lá, cá chua, cá mắm, chả cá sông Đà, ruốc cá, trà táo mèo, chuối lắc phô mai, táo đại ánh vàng… để xây dựng sản phẩm OCOP, mã số vùng trồng. Hiện nay, toàn huyện Mường La có 14 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm OCOP 4 sao.

Gạo nếp tan Ngọc Chiến, sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Mường La. Ảnh: Văn Ngọc

Sản phẩm OCOP giúp nông dân có thu nhập ổn định

Còn tại huyện Thuận Châu, với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đặc trưng vùng, mang tính sáng tạo của địa phương. Huyện đã rà soát các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tiềm năng của các xã, thị trấn; tư vấn, hướng dẫn các HTX, hộ gia đình thực hiện các thủ tục hồ sơ tham gia chương trình OCOP theo quy định.

Năm 2024, huyện đã khảo sát, xác định 8 sản phẩm có thế mạnh và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX xây dựng bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tại các điểm bán hàng, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Năm 2024, qua đánh giá có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: Ruốc gà đen và gà đen nguyên con hút chân không của HTX nông nghiệp Cha Mạy; bột mắc khén của HTX nông nghiệp Phổng Lập. Có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm: Sản phẩm du lịch của HTX du lịch Pha Đin, trà viên Gaba, trà viên xanh và trà Ô long của Công ty TNHH trà Thu Đan.

Vùng trồng chè của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đưa chúng tôi đi thăm vườn trồng cây mắc khén, anh Lỗ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết: Do nhu cầu về sản phẩm mắc khén, xã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng, xen canh với diện tích cây cà phê. Hiện nay, xã có hơn 30 ha cây mắc khén, trồng tại các bản Nà Ban, Ta Tú, Nà Khoang, Mầu Thái, Pá Sàng, bản Lập. Xây dựng sản phẩm OCOP, xã tuyên truyền các hộ dân liên kết thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Phổng Lập.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện quy trình khảo sát, đánh giá tiềm năng chế biến quả mắc khén; quy trình sản xuất; hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Đến nay bột mắc khén của HTX nông nghiệp Phổng Lập đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Dương Gia Định, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo tính bền vững sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đang hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho nhân dân về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất. Đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Văn Ngọc
Chùm ảnh: Các sản phẩm OCOP được xếp hạng và nâng sao ở Sơn La

Chùm ảnh: Các sản phẩm OCOP được xếp hạng và nâng sao ở Sơn La

Bước sang năm 2021, tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với việc lựa chọn, phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của địa phương. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 57 sản phẩm được xếp hạng và nâng sao.

Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Quỳnh Nhai

Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Quỳnh Nhai

Vừa qua, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã tổ chức khai trương điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX Thái Tuấn. Việc khai trương điểm bán hàng, nhằm quảng bá sản phẩm của huyện Quỳnh Nhai đến với người tiêu dùng trên thị trường.

Long nhãn Sông Mã, sản phẩm OCOP được tin dùng

Long nhãn Sông Mã, sản phẩm OCOP được tin dùng

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh (HTX) ở bản C5 (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) sản xuất long nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh chế biến và tham gia OCOP. Góp phần đưa đặc sản long nhãn Sông Mã vươn ra thị trường trong và ngoài nước.