Thứ Sáu, ngày 10/01/2025 10:17 PM (GMT+7)

Yên Châu: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới

2024-12-30 08:40:00

Những năm qua, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đã chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh địa phương, qua đó, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực xây dựng nông thôn mới.

Clip: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần tạo sinh kế cho người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nguyên liệu bản địa

Cây mận hậu gắn bó với với người dân xã Phiêng Khoài từ những năm 1990 và đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích hiện tại là hơn 2.000ha, canh tác trên toàn xã, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Quả mận hậu Phiêng Khoài được thị trường ưa chuộng bởi quả to, cứng, giòn, cùi dày, róc hạt, hương vị thơm ngon.

Tuy nhiên, độ 6-7 năm đổ về trước, quả mận Phiêng Khoài cũng phải đối mặt với câu chuyện chung “được giá mất mùa”. Thấy bà con bán cả cân mận chỉ được 500 đồng, loại đẹp lắm cũng chỉ 1-2 nghìn đồng, chị Bùi Phương Thanh - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản bản địa Noọng Piêu đã “ấp ủ” khát vọng nâng cao giá trị của loại quả “đặc sản” này.

Từ một cô giáo vốn quen với phấn bảng, không biết gì về nông nghiệp, chị Thanh đã tự mày mò, nghiên cứu về quy trình chăm sóc cây, cách thức vận hành hợp tác xã, cách xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… Đến tháng 7/2020, chị Thanh cùng những thành viên có kinh nghiệm về trồng trọt đã góp vốn thành lập HTX nông sản bản địa Noọng Piêu. Sản phẩm tiêu biểu mận Ruby của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La vào đầu năm 2024.

Yên Châu: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Cây mận hậu đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Tạ Nguyệt

Chia sẻ về hành trình xây dựng sản phẩm OCOP, chị Thanh tâm sự: “Để đạt được sản phẩm OCOP mận Ruby 4 sao, HTX cũng đã có nhiều bước chuyển đổi như sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, thiết kế bao bì…”.

Sản phẩm mận Ruby của HTX phát triển theo hướng quà tặng cao cấp, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong năm 2024, 10 tấn mận Ruby của HTX đã được xuất khẩu vào thị trường châu Âu như Đức, Anh, Pháp và Cộng hòa Séc. Mỗi kg mận hậu tại thị trường châu Âu đang được bán với mức giá tương đương từ 250 - 300 nghìn đồng.

Ngoài ra, HTX đang liên kết sản xuất với bà con dân tộc Thái thuộc diện di dân tái định cư từ huyện Quỳnh Nhai đến xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Chị Thanh cho biết, bà con dân tộc Thái tại bản tái định cư có nghề truyền thống làm miến dong, nghề có lịch sử tới hàng trăm năm. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm miến dong của bà con còn gặp nhiều vấn đề trong tiêu thụ sản phẩm. Nghề truyền thống làm miền dong cũng đang có nguy cơ mai một.

Yên Châu: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Chị Bùi Phương Thanh - Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng·Piêu giới thiệu sản phẩm Miến tỏi đen Yên Châu. Ảnh: Tạ Nguyệt.

Từ đây, hợp tác cùng HTX Tây Bắc, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu đã quyết định nghiên cứu, phát triển sản phẩm miến tỏi đen. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình làm miến truyền thống của bà con dân tộc Thái kết hợp với một số yếu tố như tỏi đen và một số kỹ thuật khác để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Sau 3 năm nghiên cứu, sản phẩm miến tỏi đen đã có công thức chuẩn. Trong đó, có 80% là bột dong đỏ được chế biến từ củ dong riềng của xã Phiêng Khoài, 20% là tỏi đen do HTX Tây Bắc (xã Viêng Lán, huyện Yên Châu) sản xuất. Miến tỏi đen sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển thành sản phẩm OCOP, gia tăng vị thế của sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm OCOP nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới

Về sản phẩm OCOP của huyện Yên Châu, ông Vũ Hải Yến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu thông tin: Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Châu có 12 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm OCOP 4 sao đang chờ công nhận lại và 10 sản phẩm OCOP 3 sao với nhiều cái tên tiêu biểu như xoài sấy dẻo, mận hậu sấy dẻo của HTX Tây Bắc, dâu tây hữu cơ của HTX nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc…

Yên Châu: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhiều nông sản Yên Châu là nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Tạ Nguyệt.

Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, huyện Yên Châu đã khai thác được những tiềm năng về đất đai, sản vật; phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương. Nhiều sản phẩm đặc sản được tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông thôn.

Tại các xã, bản, nhiều mô hình kinh tế chủ động mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động yếu thế.

Điển hình như HTX nông sản bản địa Noọng Piêu. Để đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường xuất khẩu, HTX đã xây dựng thành công 30,5ha mận hậu được cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất 150ha. Người dân liên kết với HTX được tập huấn cách trồng mận hữu cơ, mận trái vụ để áp dụng vào vườn nhà, nâng cao giá trị quả mận, được hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, thu nhập trung bình của các thành viên trong HTX vào khoảng 600-700 triệu đồng/ha.

Yên Châu: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Phát triển sản phẩm OCOP giúp cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn Yên Châu, tạo động lực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phương Thanh.

Chỉ sau 4 năm HTX hoạt động, diện mạo bản nghèo Huổi Sai khi xưa đã đổi thay nhanh chóng. Nhiều ngôi nhà tạm được thay thế bằng nhà cửa khang trang. Người dân mua sắm được nhiều vật dụng như tivi, xe máy; nhiều nhà mua thêm đất để trồng mận. Con đường về Huổi Sai từ lởm chởm đá tai mèo nay đã được người dân trong bản góp tiền, hiến đất, đổ 4km bê tông vào đến tận vườn. Đây là động lực để bản tiếp tục phấn đấu thành bản nông thôn mới.

Anh Vì Văn Điện, người dân tham gia liên kết với HTX Noọng Piêu bồi hồi: Ngày xưa, trong nhà tôi không có thứ gì có thể gọi là tài sản. Người trong nhà chưa biết làm kinh tế nên vẫn cứ nghèo mãi. Vậy mà kể từ khi tham gia HTX, gia đình chúng tôi biết trồng mận hữu cơ, mận trái vụ, biết bán hàng online, livestream trên TikTok, Facebook… Tự tích cóp, đến nay chúng tôi có thể tự mua xe máy, tivi, cho con em ăn học đầy đủ…

Còn tại HTX Tây Bắc (bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu), để cung ứng sản phẩm OCOP tỏi đen Diệp Bách cho các đại lý, cửa hàng trên toàn quốc, HTX đã kết nạp hơn 10 thành viên, chủ yếu là người dân bản Huổi Hẹ. Chị Lò Thị Lưa, thành viên HTX Tây Bắc cho biết: “HTX đã tạo điều kiện cho chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, với mức lương bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng/người. Bây giờ, chị em phụ nữ chúng tôi đã có thêm một nghề, có việc làm tốt, không còn phụ thuộc vào đồng áng, mùa vụ”.

Trong thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; chú ý thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho chế biến, sản xuất theo chuỗi cung ứng bên cạnh việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh. 

Sức sống mới nơi vùng cao Lóng Phiêng

Sức sống mới nơi vùng cao Lóng Phiêng

Xã vùng cao Lóng Phiêng (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) nay có nhiều thay đổi nhờ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển thiết chế văn hóa, sản xuất nông nghiệp…Chất lượng sống, mức thu nhập của người dân ngày càng nâng cao.

Thu nhập là “đòn bẩy” tạo động lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Thuận Châu

Thu nhập là “đòn bẩy” tạo động lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Thuận Châu

Xác định tiêu chí thu nhập đóng vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, huyện thuận Châu (Sơn La) đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài ca Kết đoàn trong xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Khương - Sông Mã

Bài ca Kết đoàn trong xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Khương - Sông Mã

Những nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con các dân tộc: Thái, Xinh Mun, Khơ Mú… trong xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của xã biên giới Chiềng Khương (Sông Mã – Sơn La). Đây cũng là xã vùng biên đầu tiên của huyện Sông Mã cán đích nông thôn mới.

Cơ hội và thách thức về công tác xây dựng nông thôn mới khi Mộc Châu lên thị xã

Cơ hội và thách thức về công tác xây dựng nông thôn mới khi Mộc Châu lên thị xã

Năm 2025, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La sẽ lên thị xã. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử về sự phát triển của Mộc Châu. Cơ hội mở ra để xây dựng Mộc Châu xứng tầm Khu du lịch Quốc gia và vươn tới đẳng cấp quốc tế, nhưng cũng là thách thức không nhỏ trên con đường xây dựng và phát triển nông thôn mới.