dd/mm/yyyy

Bát Xát: Tái hiện không gian văn hóa của dân tộc Hà Nhì

Ngày 2/7, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã khai mạc Lễ hội “Khu Già Già” tại xã Y Tý. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động "Lễ hội mùa thu huyện Bát Xát năm 2022".

Clip: Nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc tại khai mạc Lễ hội “Khu Già Già” Bát Xát năm 2022.

Chương trình khai mạc lễ hội của huyện Bát Xát diễn ra với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tái hiện không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Đặc biệt là các nghi lễ thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước, thần tình duyên của người dân tộc Hà Nhì.

Lào Cai: Tái hiện không gian văn hóa của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 1.

Khai mạc Lễ hội “Khu Già Già” năm 2022. Ảnh: Báo LC.

Lễ hội ở Bát Xát có nhiều hoạt động thu hút khán giả 

Trong khuôn khổ lễ hội từ ngày 2/7 đến ngày 4/7/2022, sẽ còn diễn ra các hoạt động trò chơi dân gian; các môn thi đấu thể thao dân tộc (kéo co, đẩy gậy); thực hiện nghi lễ mổ trâu và hoạt động cúng tế tại công viên các thôn. 

Lào Cai: Tái hiện không gian văn hóa của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 2.

Tái hiện sinh động các giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nhì tại Lễ hội Khu Già Già. Ảnh: Báo LC.

Lễ hội Khu Già Già đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Đây là lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Hà Nhì, với mong muốn cầu may, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho mọi người được ấm no, hạnh phúc.

Lào Cai: Tái hiện không gian văn hóa của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 3.

Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội “Khu già già” là hiến sinh trâu. Mọi người chọn con trâu đực khỏe mạnh, đen tuyền, để hiến sinh cho tổ tiên. Ảnh: Báo LC.

Tại Lào Cai hiện có hơn 5 nghìn người Hà Nhì sinh sống, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng cao biên giới của huyện Bát Xát như Y Tý, Nậm Pung, Trịnh Tường, A Mú Sung, Nậm Chạc, A Lù.

“Khu già già” theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là “bội thu”. Đây là lễ hội cầu mùa, cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì tổ chức lễ hội này để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cây trồng phát triển, đây còn là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên của mình.


PV Tây Bắc