dd/mm/yyyy

Xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục về giá và sản lượng xuất khẩu

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, trong khi giá gạo xuất khẩu đang cao nhất thế giới. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam hoàn toàn đảm bảo đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước và đạt mục tiêu xuất khẩu 6,3 - 6,5 triệu tấn gạo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu gạo trong tháng 10/2022 của Việt Nam ước đạt 700.000 tấn, với giá trị đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 9 tháng năm 2022, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong tháng 10, giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng baht yếu và nhu cầu giảm, trong khi giá tại Việt Nam và Ấn Độ ổn định gần mức cao nhất trong nhiều tháng do lo ngại về nguồn cung.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục về giá và sản lượng xuất khẩu - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, trong khi giá gạo xuất khẩu đang cao nhất thế giới. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.

Đồng baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng đô la Mỹ, bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không đổi ở mức 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Nguồn cung trong nước đang ở mức thấp và các thương nhân dự đoán giá có thể cao hơn một chút trong ngắn hạn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán tăng trong năm nay.

Trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, tính đến thời điểm này, có thể khẳng định, xuất khẩu gạo năm 2022 hoàn toàn đạt và vượt mục tiêu đề ra, kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ vượt 3 tỷ USD, sản lượng 6,3 - 6,5 triệu tấn.

"Điều đáng ghi nhận là, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, gạo Việt Nam ngày càng tiếp cận được với những thị trường khó tính, khẳng định sự đúng hướng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của Bộ NNPTNT", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho rằng Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen bị gián đoạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 41-43 triệu tấn lúa gạo và 6,5 triệu tấn thịt các loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng có đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung về các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm vào xử lý vấn đề này.

Theo thống kê từ Bộ NNPTNT, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu gạo đạt xấp xỉ 3 tỷ USD.

PV