dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La

Những năm gần đây, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã làm bộ mặt nông thôn tại tỉnh Sơn La đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần người dân tại các xã biên giới được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt.

Clip: Xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới

Xã biên giới xây dựng nông thôn mới

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tỉnh Sơn La đã có nhiều cách làm sáng tạo để góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Đến nay, diện mạo ở nhiều làng quê trên địa bàn đã có những đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Mường Sai (Sông Mã, Sơn La) là xã vùng III, biên giới, có 12 bản, 1.022 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, với 4 dân tộc cùng sinh sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến các quy định, quyết định, các văn bản có liên quan đến cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn; ban hành kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và giao các bản thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các bản thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La- Ảnh 1.

Xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Tòng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, huyện Sông Ma, tỉnh Sơn La thông tin: Từ năm 2012 đến nay, xã Mường Sai đã huy động tổng kinh phí trên 85 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư trên 82,4 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp để đầu tư xây dựng 3 công trình sắp xếp dân cư; 2 công trình đường giao thông; 7 công trình văn hóa thể thao; 1 công trình nhà lớp học. Nhân dân hiến trên 90.000 m2; đóng góp trên 5.000 ngày công lao động, 10.000 cây cối hoa màu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; tỷ lệ đường xã được bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, đạt 100%; tỷ lệ đường bản, liên bản được cứng hóa, đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước đạt trên 80% trở lên. 12/12 bản có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La- Ảnh 2.

Diện mạo nông thôn tại xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La ngày càng đổi thay. Ảnh: Văn Ngọc

Để góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn một cánh hiệu quả, thời gian qua Các cấp Hội Nông dân Sơn La đã tích cực vận động hội viên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới được 52.856 ngày công; giúp được 10 hộ nghèo thoát nghèo. Công tác xây dựng nông thôn mới đã được tập trung vận động nông dân tham gia vào xây dựng hạ tầng nông thôn như đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nhà văn hóa.., tích cực giám sát, bảo vệ, duy trì việc nâng cấp hạ tầng mà chính người nông dân tham gia xây dựng.

Với gia đình bà Đinh Thị Mây, xã Phiêng Khoài, (Yên Châu, Sơn La) nhận thức việc xây dựng nông thôn mới là làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Sau khi được các cấp hội nông dân vận động tuyên truyền, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây ăn quả, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời cũng góp phần hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La- Ảnh 3.

Mô hình trồng lê của hội viên nông dân Đinh Thị Mây, xã Phiêng Khoài, (Yên Châu, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Bà Mây chia sẻ: gia đình tôi một trong những hộ đầu tiên mang giống lê bên Lào Cai về trồng, khách hàng đến mua lê đều khen chất lượng quả ngon, ngọt. Thấy giống lê Tai nung rất dễ trồng, lại thích hợp khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, quan trọng hơn là thị trường tiêu thụ khá rộng, nên đầu năm 2014, gia đình tôi quyết định trồng thử nghiệm. Đến giữa năm 2018, vườn lê 1.000 gốc đón đợt quả đầu, cây nào cũng sai trĩu, quả to tròn, mọng nước, ngọt đậm, giòn.. Ngay vụ bói quả đầu tiên, nhà gia đình tôi thu trên 7 tạ quả, thu gần 30 triệu đồng. 

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La- Ảnh 4.

Nhờ phát triển giống cây lê, hội viên nông dân Đinh Thị Mây, xã Phiêng Khoài, (Yên Châu, Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Triển khai xây dựng nông thôn mới một cánh hiệu quả

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã biên giới (Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu; xã Chiềng Khương, xã Mường Sai huyện Sông Mã; xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 154 sản phẩm OCOP.

Ông Sùng A Dế - Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La thông tin: Phong trào thi đua "Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới"; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và "cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với việc xây dựng nông thôn mới", được đông đảo các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia, mở ra được nhiều tuyến đường nông thôn khang trang, sạch đẹp, nhiều cơ sở thiết chế văn hóa nông thôn được đầu tư, phát triển, nhiều mô hình bản, tiểu khu nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được xây dựng hướng tới những miền quê đáng sống.

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La- Ảnh 5.

Các cấp Hội Nông dân ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Ngọc

Thới gian tới, tiếp tục tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp về thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới; phát huy hiệu quả những thành tựu, kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua để học tập và nhân ra diện rộng. Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới ở biên giới Sơn La- Ảnh 6.

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 xã biên giới. Ảnh: Văn Ngọc

Tập trung phối hợp làm tốt công tác điều chỉnh, giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố tập trung cao cho công tác hoàn thành các chỉ tiêu xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Rà soát, đánh giá tổng thể Chương trình, sơ kết, tổng kết một số mô hình chuyên đề, phối hợp xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình để phát hiện và nhân rộng các cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả cũng như kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai của địa phương.

Văn Ngọc