Clip: Vườn nhãn hữu cơ chín sớm đẹp như tranh vẽ của lão nông miền biên viễn Sơn La
Sông Mã (Sơn La) vào những ngày này tựa như một "chảo lửa" của vùng Tây Bắc. Gió Lào mang hơi nóng phả hầm hập vào sông, núi nơi đây. Sống giữa "chảo lửa" nhưng bà con ở bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La) lại có cách xua đi cái nóng đó là phủ kín đất đồi, đất núi bằng cây ăn quả. Một trong những lão nông đi đầu trong việc trồng cây ăn quả phủ xanh đất trống đồi trọc là ông Hanh. Cả đời ông Hanh gắn bó với cây, với đất ở miền biên viễn. Không dừng lại ở đó, ông cũng là người mạnh dạn đi đầu trong việc sản xuất theo hướng hữu cơ.
Nhãn hữu cơ chín sớm bán được giá gấp 3-4 lần so với nhãn chính vụ
Vào cữ này ở dưới xuôi nhãn mới đang vào quả, vậy mà trong vườn nhãn của ông Hanh, cây nào cây nấy sai trĩu quả đã chuẩn bị được thu hoạch. Nhãn đang vào nước 1 và chỉ đôi tuần nữa là ông Hanh đã có nhãn bán. Phía sau ngôi nhà 2 tầng bề thế của ông Hanh, vườn nhãn xanh biếc, tỏa hương thơm dịu dịu. Trong tiếng râm ran của đám ve sầu, ông Hanh đủng đỉnh đi trong vườn, tỉa tót từng cành nhãn một. Chiếc kéo trong tay ông cắt cành, tạo tán nhanh thoăn thoắt. Nơi nào ông đi qua, cây cối bừng lên sức sống.
Khu vườn rộng hơn 1ha của ông được trồng theo hàng lối. Từng hàng nhãn được trồng thẳng lối, chạy dài tít tắp. Mỗi cây nhãn được cắt tỉa gọn gàng, tán nhãn được hạ thấp cho tiện việc chăm sóc và thu hoạch. Dưới gốc cây, lượng mùn dày cả gang tay, cả mấy chục chú gà ta thỏa sức chạy nhảy bới giun. Sự cộng sinh trong vườn nhãn của ông Hanh đang được hình thành mà ông Hanh là người "nhạc trưởng" kết nối chúng với nhau.
Vào thăm vườn nhãn của ông Hanh, điều dễ nhận thấy là hương thơm thoang thoảng đưa, ong bướm bay dập dìu. Chúng bám lấy vườn nhãn của ông Hanh như tổ ẩm của mình vậy. Hóa ra suốt mấy năm qua, ông Hanh không hề phun thuốc trừ sâu trong vườn. Ông chuyển đổi cách sản xuất truyền thống sang canh tác hữu cơ nên vườn nhà ông không bị ô nhiễm. "Từ khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, cây khỏe phát triển tốt và người làm vườn cũng khoẻ", ông Hanh tự hào khi nói về vườn cây của gia đình.
Suốt mấy năm qua, ông Hanh đã dày công mua lõi ngô rồi ủ thành phân bón hữu cơ. Sau mỗi năm, lượng mùn lại dày lên là môi trường lý tưởng cho cây nhãn phát triển. Yêu cây, yêu đất nên ông Hanh kiên trì sản xuất ra quả nhãn sạch tuyệt đối. "Làm sạch đầu tiên mình và cả gia đình mình được khỏe mạnh. Sau đó là sản phẩm đến tay người tiêu dùng được ăn đúng hàng thật giá trị thật", ông Hanh chia sẻ.
Đi mỏi cả chân mà chưa hết vườn nhãn của ông Hanh. Cây nào cây nấy khỏe khoắn, sai trĩu quả, tỏa bóng mát. Trong vườn có giống nhãn chín sớm T6 được ông Hanh ghép cải tạo từ vườn nhãn ta trước đây. "Giống nhãn chín sớm hợp với thổ dưỡng, phát triển tốt. Nay tôi chuyển sang chăm sóc hữu cơ, nên chất lượng của chúng ăn tuyệt ngon". Ông Hanh đưa tay hái mấy quả nhãn trên cành xuống mời chúng tôi. Mới đầu tháng 3 âm lịch mà nhãn đã sắp chín. Bóc quả nhãn ra thưởng thức như cảm nhận được cả hương hoa của đất trời vùng biên viễn. Quả nhãn hạt nhỏ, cùi dày, trong và ngọt lừ. Cái ngọt được chắt chiu từ sự chăm sóc chu đáo của người chủ vườn.
Trồng nhãn theo hướng hữu cơ nên những năm đầu ông Hanh gặp nhiều khó khăn khi bị sâu bệnh, dịch hại phá. Nhưng sau mỗi năm, nhờ sự kiên trì của ông Hanh mà vườn nhãn cứ khỏe dần lên. Không cần phun thuốc, chúng có "sức khoẻ" đủ sức chống chọi với sâu bệnh. So với các vườn khác, vườn cây của ông lại sinh sôi phát triển tốt hơn. Sau 4 năm dày công chăm sóc vườn nhãn theo hướng hữu cơ, giờ ông Hanh mới thở phào nhẹ nhõm là mình đã chọn đúng con đường để đi. Vườn nhãn năng suất không giảm mà gia tăng theo mỗi năm. Điểm nhấn của phương pháp này chất lượng quả ăn ngon. Khách vào vườn thưởng thức đều công nhận nhãn trong vườn ông Hanh có vị ngọt dịu và hương thơm đặc sắc.
Do vị trí bản Tây Hồ cách xa trung tâm, nên khách mua hàng chưa biết đến vườn nhãn hữu cơ của ông Hanh nhiều lắm. "Mấy vụ đầu tôi vẫn phải bán theo giá như nhãn thường. Nhưng tôi tin, khi tôi kết nối được với những mối buôn hàng sạch, giá nhãn sẽ bán được giá hơn", ông Hanh chia sẻ.
Cả đời gắn bó với cây, với đất và làm nông nghiệp hữu cơ
Xen lẫn trong vườn nhãn, ông Hanh còn trồng thêm vài cây hồng xiêm, cây mít để phục gia đình. Trong lúc ngồi tiếp chuyện chúng tôi, chỉ thoáng cái vợ ông Hanh đã mang ra miếng mít chín cây thơm lừng, rồi quả hồng xiêm Sông Mã ngon trứ danh. Quả gì cũng ngon, cũng ngọt. "Cái hay của phương pháp canh tác tôn trọng tự nhiên là sản phẩm sẽ trả lại đúng giá trị chất lượng của nó", ông Hanh chia sẻ bí quyết làm nông của mình.
Bố mẹ ông Hanh di dân lên sông Mã từ những năm 1964. Ông sống và gắn bó với xứ miệt rừng như cái duyên trời định. Đến giờ ông vẫn chưa quên được những năm đầu khốn khó, đói ăn, thiếu mặc. Ông Hanh có niềm đam mê với cây ăn quả từ khi còn nhỏ. Khi tham gia làm công nhân nông trường, ông lại chuyển sang Nông trường Ngòi Lao ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) để trồng cam.
Những tưởng nông trường cam sẽ níu chân ông ở lại hết những năm còn lại, nhưng đến năm 1991, ông chuyển trở về Sông Mã tiếp tục làm công nhân Nông trường. Suốt mấy chục năm gắn bó với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông cũng trải qua nhiều phen thăng trầm.
Cây ăn quả đã bén rễ đất sông Mã từ những năm 1992, nhiều hộ dân quê ở Hưng Yên đã mang cây nhãn lên quê hương thứ hai gieo trồng. Ngày đó đường xá đi lại khó khăn, nên việc tiêu thụ nông sản gặp vô vàn khó khăn. Cây nhãn khi đó chưa được người nông dân chú trọng. Trải qua bao phen lận đận với điệp khúc được mùa rớt giá khiến nhiều gia đình không mặn mà với cây nhãn, một số hộ lại chặt bỏ. Nhìn những cây nhãn cổ thụ to bằng người ôm bị cưa đi làm củi khiến ông Hanh chạnh lòng. Khi được nghỉ hưu, ông mới bắt đầu tạo dựng vườn cây ăn quả cho mình.
Ông Hanh vẫn trồng nhãn, nhưng khi bà con chặt đi, ông lại nảy ra việc ghép giống nhãn miền và nhãn chín sớm để cải tạo vườn nhãn ta trước đây. Bẵng đi thời gian, vườn nhãn ghép cải tạo phát triển tốt, nên ông mới nhân rộng ra toàn vườn. Đến giờ, những cây nhãn chín sớm đang mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng. Giá bán luôn cao gấp 3-4 lần so với nhãn chính phụ. Việc chăm sóc nhãn chín sớm cũng đòi hỏi sự kỳ công của người trồng. Ông Hanh đã mày mò nghiên cứu, từ cách tưới nước, đến việc khoanh cành nhãn rồi bón phân thúc cây... Những công đoạn đó sẽ thúc cây nhãn ra hoa kết quả sớm hơn so với chính vụ khoảng 3 tháng. Sự kiên trì của ông đã được đền đáp. Từ cách làm của ông, nhiều hộ dân trong HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng cũng thực hiện theo.
Ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng cho biết: "Cây nhãn chín sớm mang lại lợi thế cho người trồng. Nó tránh được vụ chính và cho thu rải đều suốt 1 tháng, sớm hơn chính vụ 2 tháng. Cách làm vườn theo cách hữu cơ của ông Thanh là rất trân trọng. Về lâu dài, các hộ dân trong HTX cũng sẽ chuyển dần làm theo cách của ông Thanh. Trồng nhãn chín sớm theo hướng hữu cơ, đây là lợi thế mà không phải vùng nào cũng có được".