Clip: Về Yên Châu say tiếng khèn, câu hát, điệu xòe Thái
Chiếc khèn bè linh hồn trong văn hóa của người Thái Yên Châu
Chiếc khèn bè đã gắn bó với đồng bào dân tộc Thái của huyện Yên Châu từ lâu đời. Khèn bè được sử dụng làm nhạc dạo trong hầu hết làn điệu dân ca, trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng. Âm thanh trầm bổng của điệu khèn như mời gọi bè bạn, du khách gần xa hòa mình vào vũ điệu đoàn kết.
Khèn bè gồm một tẩu thổi, bầu khèn và 14 ống nứa có độ dài khác nhau chập thành 7 đôi và kết lại thành bè. Khi biểu diễn khèn bè, thường thổi 3 làn điệu chính, là điệu "băm" mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng, thường đệm cho những bài hát tâm tình, ru con; điệu "xiếng ẹt" thường thổi đệm cho người đàn ông hát và mang màu sắc vui tươi; điệu "xiếng thuôn" với giai điệu trầm bổng, da diết, thổi đệm cho các cặp đôi trai gái khi hát giao duyên.
Với ông Lường Văn Chựa (ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn đam mê với văn hoá truyền thống của dân tộc Thái. Bởi theo ông Chựa, ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu nên tiếng nói, tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản mường dường như đã ngấm vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ.
Năm 2018, sau khi được sự nhất trí của UBND huyện Yên Châu, nhóm bảo tồn văn hoá dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên, ông Lường Văn Chựa được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Hiện nay, nhóm có tổng số 19 thành viên, ngoài dân tộc Thái, có thêm 6 người là dân tộc Khơ Mú đều là những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc.
Từ khi được thành lập đến nay, ông cùng nhóm đã mở được 7 lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí, thu hút gần 150 học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và nhóm bảo tồn văn hóa truyền dạy đã lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu.
Bà Lò Thị Xuân, bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn, Chủ nhiệm CLB "Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt - Yên Châu", chia sẻ: Hiện nay, CLB có 60 thành viên là những người yêu, am hiểu văn hóa Thái của xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Viêng Lán, Sặp Vạt và thị trấn Yên Châu. CLB là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy hát Thái và tổ chức dạy thêu khăn Piêu, dệt vải cho con cháu.
Các thành viên tham gia CLB tự nguyện, với nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đam mê với văn hóa dân tộc Thái. Đây không chỉ là những thành viên tâm huyết, trách nhiệm, mà còn là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn...
Cùng với đó, CLB còn chú trọng bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, với nhiều sản phẩm, như khăn piêu, váy, áo cóm, gối, chăn... không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn bán ra thị trường, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống về vật chất của người dân, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Bảo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái Yên Châu
Bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu cho biết: Thời gian qua, huyện Yên Châu luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa con người Yên Châu đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND các xã sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị văn hóa dân gian; kiểm kê các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc còn được lưu giữ trong huyện.
Để bảo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn, huyện chỉ đạo các xã thành lập các CLB, mô hình lưu giữ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, duy trì và phát huy hiệu quả hơn 180 đội văn nghệ tại các bản, là hạt nhân quan trọng để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những làn điệu bài dân ca, hát ru, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn.
Các câu lạc bộ văn hóa Thái hoạt động hiệu quả góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Hoạt động chủ yếu của các các câu lạc bộ là truyền dạy chữ Thái, các làn điệu dân ca, dân vũ, xòe Thái; thêu may, dệt thổ cẩm, sưu tầm biên soạn lại các tác phẩm văn hóa vui tươi, văn hóa tâm linh, các lời răn dạy của người xưa, các bài thuốc cổ.
Hằng năm huyện Yên Châu tổ chức phục dựng Lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái; lễ hội Mương A Ma của dân tộc Xinh Mun; lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú. Phối hợp với viện khoa học, viện dân gian, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và Trung ương sưu tầm bảo lưu nghề làm khèn bè của Nghệ nhân ưu tú Lừ Hồng Sưa bản Tủm, xã Chiềng Khoi; các làn điệu dân ca Thái, xòe Thái...
Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm và những mô hình, cách làm hayở yên Châu đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.