dd/mm/yyyy

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả

Huyện Mai Sơn (Sơn La) đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng cây ăn quả, tăng thu nhập cho nông dân…


Clip: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả

Thu nhập cao từ việc ứng KH-CN phát triển cây ăn quả 

Huyện Mai Sơn là một trong những vùng có diện tích và sản lượng trái cây lớn của tỉnh Sơn La. Để nâng cao giá trị kinh tế các loại cây ăn quả, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 2.

Những năm gần đây, nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả nhằm nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Với diện tích hơn 2 ha cây na, gia đình chị Đỗ Thị Hoa, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) cùng với các thành viên khác trong hợp tác xã mạnh dạn chuyển từ trồng na truyền thống sang trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, giá trị của quả na đã được tăng lên nhiều lần. Trước đây, giá bán na chỉ đạt từ 5.000 -10.000 đồng/kg hiện đã nâng lên đạt gần 40.000 đồng/1kg. Việc tiêu thụ na cũng thuận lợi hơn vì các đơn vị thu mua đã biết đến chất lượng na của gia đình chị Hoa và các thành viên trong hợp tác xã. Riêng gia đình chị Hoa, với gần 1 ha trồng na, sản lượng na đạt gần 8 tấn/năm, trừ chi phí cho thu nhập đạt gần 400 triệu đồng.

"Để nâng cao giá trị và năng suất cho cây na, năm 2018 gia đình tôi đã tham gia Hợp tác xã Mé Lếch. Cùng với các hội viên khác, năm 2019 gia đình tôi mạnh dạn chuyển từ trồng na truyền thống sang trồng na VietGap và theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, quả na từ chỗ chỉ vài nghìn/1kg giờ đây đã nâng lên trung bình 40 nghìn/ 1kg", chị Hoa nói.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 3.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 4.

Gia đình chị Đỗ Thị Hoa bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) có thu nhập cao từ việc sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình ông Lò Văn Phớ, bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La), Không khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, với điện tích đất 1,5 ha, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng xoài hữu cơ. Nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mô hình thâm canh cây xoài hữu cơ trên núi đá của gia đình ông Phớ mang lại thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng, được HTX thu mua tận vườn, cao hơn gấp 5-6 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía...

"Ngoài việc liên kết trong sản xuất, yếu tố giúp tôi thành công đó là việc thực hiện các biện pháp trồng, chăm sóc xoài. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được HTX hướng dẫn. Gia đình tôi áp dụng quy tắc "4 đúng" trong sử thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP. Toàn bộ phân bón cho diện tích xoài của gia đình vào các thời điểm đều là phân chuồng, lá cây đã được ủ hoai mục. Nhờ đó, cây xoài cho quả to, phát triển đồng đều, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng", ông Phớ cho biết.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 5.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 6.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, đình ông Lò Văn Phớ, bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều giải pháp phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ ở Mai Sơn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Diện tích cây ăn quả toàn huyện có 10.800ha, sản lượng cho thu hoạch đạt 70 nghìn tấn với 3.000 ha cây ăn quả  thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.075,8ha. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các xã, thị trấn như cam, bưởi, nhãn, xoài, thanh long, na, dâu tây, với quy mô 800ha.

Qua việc tuyên truyền, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả, ngày càng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành các vùng sản xuất tập trung, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết theo hướng chuỗi sản xuất hàng hóa, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 7.

Để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc. 141 HTX sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, nâng cao chất lượng hiệu quả. Trên địa bàn huyện có 4 nhà máy chế biến nông sản an toàn, như: Công ty cà phê Phúc Sinh, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La…; đang xây dựng nhà máy của Trung tâm chế biến rau quả Doveco.

Huyện Mai Sơn đã cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững; quy hoạch và triển khai xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất các loại sản phẩm nông sản mà huyện có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với thị trường, bảo đảm phát triển bền vững cả ba khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 8.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây ăn quả - Ảnh 9.

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, nông dân huyện mai sơn có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện Mai Sơn đang tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực. Tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh