NDXS Sơn La_1Clip: Mô hình trồng cây ăn quả của Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân Hàng A Sở tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Chi Hội trưởng Nông dân có tuổi thơ gian khó
Ông Hàng A Sở (dân tộc Mông, sinh năm 1955, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Ông Sở có dáng người cao ráo, giọng nói khản đặc, nước da rám nắng, đôi bàn tay thô ráp; vùng eo bụng đeo con dao mũi nhọn - nét đặc trưng của cánh đàn ông người Mông ở vùng cao.
Trò chuyện với PV, ông Sở nhớ lại về một thời gian khó: Tôi sinh ra trong một gia đình có tới 11 anh chị em. Bố mẹ tôi lại nghiện ngập thuốc phiện nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề.
"Trước kia, ở với bố mẹ đói khát lắm nhà báo ơi. Để có bữa ăn sống qua ngày, tôi cùng các anh chị lên nương lên rẫy đào củ mài, củ nâu mang về ăn. Đào xong, bụng đói, chân tay bủn rủn, cứ nghĩ mình sẽ tùa (chết) vì đói…", ông Sở bộc bạch.
Theo ông Sở sau khi học xong lớp 4, ông được gọi đi học tại Trường Sư phạm tại Hát Lót, huyện Mai Sơn. Nhưng do gia đình quá khổ nên bố mẹ không cho ông đi.
"Tôi còn nhớ có chiếc xe u oát đến tận nhà đón nhưng bố mẹ không cho đi và bắt ở nhà lấy vợ. Bố mẹ bảo mày mà đi học thì lúc chúng tao chết mày không nhìn thấy đâu. Nếu thời đó, bố mẹ cho tôi đi học sư phạm thì bây giờ có thể tôi đang làm giáo viên hoặc làm cán bộ ở một nơi nào đó; chứ làm nông nghiệp như bây giờ vất vả lắm", ông Sở cười bảo.
Nhiều năm sau đó, ông Sở lập gia đình và quyết tâm lao động sản xuất để thoát cảnh đói nghèo từ bé; tuy nhiên, những khó khăn vẫn đeo bám ông. Chuyện là khi vợ chồng ông chuẩn bị ra ở riêng thì nhà bị cháy.
Nguyên nhân là do trước kia khu vực này toàn rừng rú, trẻ con đốt rừng nên cháy lan sang nhà của gia đình ông Sở. Toàn bộ mọi tài sản trong ngôi nhà bị giặc lửa thiêu rụi toàn bộ.
"Thật may, thời điểm xảy ra cháy nhà, cả gia đình đi làm nương nên người không bị sao và còn lại tài sản sản duy nhất là bộ quần áo mặc trên người", ông Sở nói.
Chi Hội trưởng Nông dân lãi tiền tỷ từ trồng cây cam đường canh và cây mận
Chia sẻ hành trình vươn lên từ 2 bàn tay trắng để trở thành gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, ông Sở cho biết: Ngay từ khi lập gia đình, tôi luôn tự nhắc mình phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm khác so với thời ông bà, bố mẹ để có cuộc sống tốt hơn. Mình không được học cái chữ đến nơi đến chốn nên phải cố gắng gấp nhiều lần những người được học hành đàng hoàng.
Là người từng trải qua những nỗi khổ cực trong cuộc sống nên mỗi khi có dịp xuống thị trấn, thành phố tôi luôn để ý cách làm ăn của người Kinh. Cuộc sống của họ tiến bộ hơn mình, họ đẻ ít con, suy nghĩ làm kinh tế lâu dài.
Ông Sở tâm sự: Người Mông mình đất đai rộng lớn nhưng không biết đánh thức tiềm năng, vì vậy cuộc sống mãi đói nghèo. Thêm nữa, người Mông mình suy nghĩ không lớn như người Kinh. Người Mông muốn làm phát ăn ngay nên chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây lúa. Còn người Kinh họ biết trồng cây ăn quả, làm ăn lâu dài nên cuộc sống khá giả hơn mình rất nhiều.
Theo ông Sở, ngay từ những năm 1989, khi cây mận hậu bắt đầu bén rễ với đất Mộc Châu, ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng hàng trăm gốc mận.
Ông Sở nghĩ đây sẽ là cây trồng đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Bởi, mận là cây được Nhà nước đưa về giúp người dân thay thế cây hoa anh túc.
Thời đấy, đất đai màu mỡ nên sau khi chăm sóc từ 3 – 4 năm cây mận của gia đình ông Sở đã cho thu quả. Nhưng lúc đó, mận ít người mua nên quả rụng đầy vườn. Nhiều người dân cũng đã chặt bỏ cây mận để quay sang trồng cây lương thực. Tuy nhiên, ông Sở không những phá bỏ cây mận mà mỗi năm lại trồng thêm vài chục gốc.
Năm 2009, Viện Bảo vệ thực vật triển khai Dự án đốn, tỉa, chăm sóc mận (Dự án Asodia) tại huyện Mộc Châu. May mắn, gia đình ông Sở được các chuyên gia người Pháp trong dự án hướng dẫn kỹ thuật tỉa đốn, chăm sóc, bón phân cho cây mận.
"Từ năm 2009 đến nay, tôi và hàng nghìn hộ dân trồng mận ở Mộc Châu đều đang áp dụng kỹ thuật của Dự án Asodia. Hiện gia đình tôi đang có 3 ha mận. Vụ mận năm nay, gia đình tôi thu được 50 tấn quả. Với giá bán dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, gia đình tôi thu trên 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng", ông Sở phấn khởi.
Để có được thành công như hôm nay, theo ông Sở là cả một câu chuyện dài. "Nói với nhà báo chuyện này, buồn cười lắm. Năm 2009, khi được các chuyên gia Pháp hướng dẫn kỹ thuật, tôi gọi hàng trăm hộ dân người Mông trồng mận trong bản đến học hỏi.
Đến nơi, bà con thấy cán bộ kỹ thuật cầm cưa cắt, tỉa những cành mận cao to của vườn nhà tôi, ai cũng bảo đây là dự án lừa dân. Họ mắng tôi rằng làm ăn kiểu này là phá hết mận còn gì ăn nữa. Sau đó, mọi người hô hào kéo nhau bỏ về hết, chỉ còn tôi và cán bộ kỹ thuật của dự án", ông Sở nhớ lại.
Được vài ba năm sau, vườn mận nhà ông Sở được trẻ hoá và tán đẹp hơn trước rất nhiều. Quả mận khi thu hái to, đẹp, sai và ngon hơn những vườn không cắt tỉa, tạo tán. Vì vậy, quả mận được nhiều thương lái thu mua nên giá bán cao gấp đôi các vườn khác.
Khi bà con nhìn thấy quả mận nhà ông Sở có mẫu mã đẹp, được tư thương thu mua với giá cao, người dân trong vùng mới hiểu và tin theo cách làm của dự án.
Bên cạnh việc trồng mận, qua quá trình tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong vùng, hiện ông Sở cũng đang có gần 1 ha cam đường canh 8 năm tuổi.
Theo ông Sở, khi mới trồng thành công, cây cam đường canh phát triển rất tốt. Nhưng sau quá trình thu quả từ 1 – 2 năm, cây cam bắt đầu sinh bệnh. Nào là vàng lá, ra hoa không đậu quả….
"Người dân mình thấy cây cam bị bệnh lại chặt bỏ hết đi. Nhưng tôi không cắt vì mình đã vất vả nhiều năm trời trồng và chăm sóc mới cho thu hoạch. Tại sao người ta trồng được chăm được mà mình lại không chăm được? Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi và chính mình trả lời bằng cách tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục... Có như vậy mới tồn tại được", ông Sở nói.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng cây cam với PV Dân Việt, ông Sở cho biết: Sau khi thu hoạch xong, tháng 11, 12, tiến hành bón mỗi gốc khoảng 10kg phân chuồng. Tiếp đó, phun thuốc sinh học ủ mầm hoa và phun kích thích mầm hoa.
Khi cây cam đậu quả thì tiến hành khoanh vỏ. Tác dụng việc làm này nhằm hạn chế dinh dưỡng và nước từ gốc lên các bộ phận khác để cây không rụng quả sinh lý. Đến hết tháng 4, tiến hành khoanh lần 2 để cây cam đậu quả non ổn định. Tiếp tục bón phân hữu cơ, vô cơ và phun thuốc giữ quả cho cây.
Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, vụ cam năm 2021, ông Sở xuất bán được 30 tấn quả. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, ông Sở thu được 900 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 600 triệu đồng.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Sở mong muốn các cấp chính quyền và Hội Nông dân có giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con với mức giá ổn định. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm gắn bó với gắn bó với mảnh đất mình sinh ra.
Đánh giá về mô hình trồng cây ăn quả của ông Hàng A Sở - Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân tiểu khu Pa Khen, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Mộc Châu cho biết: Không chỉ là Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân tâm huyết, nhiệt tình, ông Sở còn là một điển hình trong sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của địa phương.
Ông không những làm kinh tế giỏi còn chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả và hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên nông dân tiểu khu Pa Khen thoát nghèo vươn lên làm giàu. Qua đó, góp phần nhân rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, ông Sở đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Năm nay, ông Sở vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.