dd/mm/yyyy

Tuần Giáo: Vượt gian khó, đem “con chữ” đến với học sinh vùng cao

Ngày 20/11/1952 huyện Tuần Giáo (Điên Biên) được giải phóng. Năm 1953 toàn huyện chỉ có 02 giáo viên dạy học bằng tiếng địa phương. 70 năm xây dựng và trưởng thành, các thầy cô đã vượt qua gian khó đem kiến thức đến với học sinh vùng cao. Các lớp học sinh tiếp nối, trưởng thành có người làm lãnh đạo cấp trung ương, cấp tỉnh.

Năm 1954 có 21 lớp vỡ lòng với 821 học sinh và 48 lớp bình dân học vụ, chưa có trường phổ thông. Giáo dục Tuần Giáo trong những ngày đầu mới thành lập vô cùng gian nan vất vả. Nhưng bằng sự nỗ lực của các thế hệ nhà giáo, ngành đã tích cực tham mưu cho các cấp quản lí để xây dựng cơ sở vật chất, vượt qua mọi khó khăn gian khổ đem cái chữ đến cho con em các dân tộc huyện nhà.  

Những năm tháng cả nước có chiến tranh, nhiều thầy giáo đã tạm xa bục giảng, phấn trắng để cầm súng đánh giặc. Nhiều thầy cô giáo tham gia tự vệ trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương. Hàng trăm các Thầy cô cùng các trường di chuyển về nơi sơ tán, thực hiện 3 cùng với học sinh để dạy tốt và bồi dưỡng chuyên môn. Có những lúc chiến tranh ác liệt không học tập trung theo lớp được, các thầy cô giáo đã đến từng bản làng, từng gia đình chỉ bảo cho học sinh học tập. Đây là thời kỳ hào hùng, sáng rực chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thầy các cô, đã chứng minh cho sức mạnh kỳ diệu của ý chí nhà giáo.

Tuần Giáo: Vượt gian khó, đem “con chữ” đến với học sinh vùng cao - Ảnh 1.

Những lớp học tạm bợ của Ngành Giáo dục Tuần Giáo những năm 2000 giờ đã được thay thế bằng các lớp học khang trang.

Ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, cả nước gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Thiên tai, mất mùa, khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng nhanh, đời sống nghèo nàn, nhận thức của nhân dân về giáo dục còn hạn chế. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn từ phòng học đến phòng làm việc đều là nhà tạm bằng tranh tre nứa lá, những hôm trời mưa, trong lớp cũng như ngoài trời. Học sinh ở xa trường, đi học phải băng rừng lội suối từ 15-20km, nên việc nghỉ học, bỏ học là điều không thể tránh khỏi, nhiều hôm đến lớp chỉ có thầy mà không có trò. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu và trình độ đào tạo, hạn chế về chuyên môn, nhiều giáo viên phải dạy lớp ghép. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vô cùng gian nan, từ điều tra đối tượng phổ cập xóa mù, đến mở lớp.

Để vượt qua những khó khăn đó, các đồng chí trong ban lãnh đạo cùng tập thể phòng GD-ĐT lúc bấy giờ đã kiên trì nỗ lực, dám nghĩ dám làm bám trường bám lớp. Vận động nhân dân và chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng chính quyền tích cực cố gắng duy trì các hoạt động giáo dục. Quan tâm phát triển cả về số lượng chất lượng cũng như quy mô trường lớp.

Tuần Giáo: Vượt gian khó, đem “con chữ” đến với học sinh vùng cao - Ảnh 2.

Những lớp học tạm bợ tại các điểm bản của Tuần Giáo đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy cô.

Bắt đầu từ năm 2002 Chính phủ phê duyệt đề án thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, đồng thời cũng mở ra một thời kì phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất của toàn ngành. Hàng loạt các trường học được xây mới, kiên cố và khang trang. Đến năm 2006- 2007 toàn huyện đã có hơn 60 đơn vị trường. Sau chia tách huyện Tuần Giáo (thành huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ẳng) còn 38 đơn vị trường với quy mô 781 lớp và hơn 18 nghìn học sinh và 1.473 cán bộ công nhân viên chức của hệ thống giáo dục đã có những bước đổi mới quan trọng theo sự phát triển của kinh tế xã hội.

Năm học 2022-2023, toàn huyện đã có 1.889 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học. Toàn huyện có 62 trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT, trong đó có 24 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 04 trường tiểu hoc và trung học cơ sở, 13 trường trung học cơ sở. Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Tuần Giáo: Vượt gian khó, đem “con chữ” đến với học sinh vùng cao - Ảnh 3.

Bắt đầu từ năm 2002 Chính phủ phê duyệt đề án thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, đồng thời cũng mở ra một thời kì phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất của toàn ngành. Hàng loạt các trường học được xây mới, kiên cố và khang trang.

Các trường tiểu học với mục tiêu phát triển bền vững giáo dục tiểu học, ngành giáo dục Tuần Giáo tích cực thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo mọi trẻ em được học đúng độ tuổi có chất lượng và hiệu quả giáo dục ở tiểu học. Tăng cường dạy chữ để dạy người, tăng cường giáo dục kĩ năng sống và tạo điều kiện để học sinh tham gia. Vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, xây dựng kế hoạch đưa học sinh các lớp 3,4,5 về trung tâm để thực hiện dạy học các môn Tin học, Ngoại ngữ. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trong các nhà trường; thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh.

Các trường Trung học cơ sở, hàng năm huy động học sinh 11 tuổi học lớp 6 đạt 98,8%, huy động học sinh 11-14 tuổi học THCS đạt 98,7%. Tăng cường lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật, các hoạt động vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các trường tự chủ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo chủ đề, chủ điểm, định hướng phát triển năng lực học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng học tập của học sinh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 đối với 6 và lớp 7, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực người học.

Tuần Giáo: Vượt gian khó, đem “con chữ” đến với học sinh vùng cao - Ảnh 4.

Học sinh được học trong những ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp.

Một mùa xuân nữa lại sắp đến đến với sự nghiệp giáo dục với các thầy cô giáo. Một kỷ nguyên mới, một chặng đường đầy viễn cảnh mở ra đang chờ đón sự cống hiến của đội ngũ kỹ sư tâm hồn . "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người" câu nói bất hủ của Hồ Chủ Tịch hòa quyện với bài ca trồng người sáng lên một niềm tin, một tình yêu, một giai điệu bất diệt của mùa xuân đất nước. Ngành giáo dục – đào tạo Tuần Giáo quyết tâm vượt khó để hoàn thành sứ mạng do Đảng và nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với bề dày truyền thống cách mạng của huyện, góp phần xây dựng huyện Tuần giáo anh hùng ngày càng giàu mạnh, đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Vinh Duy