Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Thèn Sin, chúng tôi đến bản Lở Thàng 2. Đón chúng tôi với nụ cười dễ gần là ông Lù Văn Kèn, dân tộc Thái, sinh năm 1964.
Ông Kèn là một trong 8 hộ của bản Lở Thàng 2 đã xung phong trồng thử nghiệm cây chanh dây theo hướng hữu cơ của dự án nông nghiệp huyện.
Kể về quá trình trồng cây chanh dây, ông Lù Văn Kèn chia sẻ: Nhà tôi trồng được khoảng 1ha cây chanh dây, bắt đầu thực hiện dự án trồng từ năm 2019. Từ lúc trồng gia đình tôi đã tập trung chăm sóc vun vén, sới đất làm cỏ theo đúng kỹ thuật mà cán bộ nông nghiệp đã hướng dẫn. Chỉ sau đó khoảng 3 tháng thì cây chanh dây đã cho thu quả sai lúc lỉu.
Để vườn chanh dây của mình sinh trưởng và phát triển tốt, ông Kèn luôn tuân thủ các quy trình chăm sóc từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh. Ông Kèn còn lắp đặt hệ thống tưới nước trực tiếp vào gốc, tưới vừa đủ không để ngập úng. Mỗi tháng bón phân hữu cơ khoáng một lần, giúp cây hấp thụ dễ dàng, không ảnh hưởng đến độ pH của đất.
Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, Ông Kèn chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học được chiết xuất từ thảo dược. Trung bình 1 tháng phun 3 lần, giúp cải tạo môi trường đất, tạo sự cân bằng của sinh vật, vi sinh vật trong đất, từ đó làm hạn chế sâu, bệnh có nguồn gốc từ đất.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm quan trọng trồng chanh dây hữu cơ, ông Kèn bảo: Muốn cây phát triển khỏe mạnh, tôi thường phun chế phẩm sinh học vào thời điểm 18h trở đi. Thời điểm này không còn nắng nên cây hấp thụ tốt hơn. Hơn nữa, đến giai đoạn thu hoạch, quả dễ bị bệnh dịch ruồi vàng nên phải luôn túc trực tại vườn, quan sát cẩn thận, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có các phương pháp phòng trừ.
Mỗi vụ gia đình ông Kèn thu từ 9 tấn đến 10 tấn quả chanh dây. Với giá bán giao động trên thị trường từ 25 ngìn đồng đến 30 nghìn/kg. Mỗi vụ gia đình ông Kèn thu về khoảng 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chủ tịch UBND xã Thèn Sin chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả từ cây chanh dây, xã Thèn Sin đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tạo đầu ra cho quả chanh dây và bán cho công ty thu mua chanh dây tại huyện Tam Đường. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có 8 hộ tham gia trồng được 9ha. Trong đó, việc thu mua chanh dây tại địa bàn xã đã có Công ty Cổ phần NaFoods Tây Bắc có trụ sở tại thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đứng ra thu mua cho bà con.
Trao đổi thêm với ông Giàng A Tủa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thèn Sin, được biết: Qua thực tế cho thấy, trồng cây chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Chanh dây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu quả nhanh đều đặn. Trong thời gian tới, xã Thèn Sin sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trong việc nhân rộng trồng cây chanh dây và giúp các hộ dân nơi đây có thêm thu nhập ổn định và tạo thương hiệu cao cho chanh dây Thèn Sin.
Đánh giá thêm về mô hình trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Hùng Cường Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường, cho biết: Huyện luôn khuyến khích và ủng hộ những hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ để đảm bảo được chất lượng và năng suất của sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Trong đó, vườn chanh dây hữu cơ của ông Kèn là một ví dụ điển hình, mở ra triển vọng mới cho phương thức sản xuất này.