Đầu tư kết cấu hạ tầng
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải đẩy mạnh, năm 2016, tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/6/2020 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh công tác triển khai học tập Nghị quyết. Bằng nhiều hình thức, nội dung Nghị quyết được tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo.
Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, tỉnh Lai Châu giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho các huyện, thành phố và giao chỉ tiêu nguồn vốn từ lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Công tác kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo tại các huyện, thành phố cũng được tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thường xuyên.
Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ hằng năm, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu đều xây dựng kế hoạch cụ thể và quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thực tế cho thấy, ở các xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Khắc phục tình trạng này, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh và bến vững để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ người dân đi lại, sản xuất.
Trong giai đoạn 2016-2020, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Lai Châu tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã đầu tư 515 công trình: Giao thông, thủy lợi, trường học...; duy tu bảo dưỡng 601công trình tại địa bàn các huyện, các xã, thôn bản.
Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,7% thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi. 95,1% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống các công trình thủy lợi đã đáp ứng 85% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hàng năm.
"Kết cấu hạ tầng giao thông, mạng lưới giao thông trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện và phát triển đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Qua đó đã rút ngắn được thời gian đi lại, kết nối lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các vùng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh" – ông Trần Đỗ Công – Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Lai Châu cho hay.
Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất
Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu còn triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện hỗ trợ 636 dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ khai hoang 124 ha, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng 396.066 ha, hỗ trợ nhân rộng 36 mô hình. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã mở được 268 lớp tập huấn cho cộng đồng và cán bộ cơ sở tại các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng số người tham gia là 13.617 người. Thông qua các lớp tập huấn, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được nâng lên một bước. Cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các xã đã nắm được một số kiến thức cơ bản về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, lập kế hoạch về công tác giảm nghèo.
Được hưởng lợi từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hàng nghìn hộ nghèo ở các xã, bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh tích cực hơn trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Qua các mô hình, dự án được triển khai, các hộ nghèo trong tỉnh được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kĩ thuật, từ đó mạnh dạn áp dụng vào sản xuất thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của tỉnh ủy Lai Châu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm nhanh, mỗi năm khoảng 4,81%. Đời sống của người dân nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.