Clip: Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp, HTX
Thương mại điện tử thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm
Sơn La đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, điển hình là phát triển trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh ước đạt trên 84.000 ha với sản lượng ước đạt trong năm 2023 trên 451.000 tấn, trong đó có một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như: tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn,… Các sản phẩm nông sản, thực phẩm từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát triển có hiệu quả, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.
Với HTX Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thanh, tiểu khu Khí Tượng (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) thành lập tháng 7 năm 2018, chuyên trồng và chế biến sâu các loại hoa quả sau thu hoạch. Sau 5 năm thành lập, HTX đã sấy được rất nhiều các loại sản phẩm sấy dẻo khác nhau. Trong đó có 6 sản phẩm đạt sao OCOP : Mận hậu sấy dẻo 4 sao, Hồng giòn sấy dẻo 4 sao, Chuối sấy dẻo 4 sao, Xoài sấy dẻo 4 sao, Đu đủ sấy dẻo 3 sao và Nước cốt chanh leo 3 sao.
Ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Quyết Thanh cho biết: Các sản phẩm hoa quả sấy khô của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh đã và đang được giới thiệu trên các nền tảng số, các sản thương mại điện tự facebook và các trang mạng khác, được khách hàng khắp nơi đặt mua với số lượng lớn Các sản phẩm được sản xuất và chế biến từ chính những nông sản đặc trưng của huyện Mộc Châu, như: Hồng giòn sấy dẻo, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo, xoài sấy dẻo. Việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử tại HTX giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tốt hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản khi tham gia vào các sàn thương mại điện tử, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các ứng dụng thương mại điện tử trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng các công cụ trong thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh theo các lĩnh vực kinh doanh. Tổ chức đào tạo lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử có chuyên môn sâu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử.
Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, ...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.
Hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử cho doanh nghiệp: Hằng năm hỗ trợ doanh nghiệp chưa có hoặc đã có website thương mại điện tử đang hoạt động, thiết kế, nâng cấp thành website thương mại điện tử có đầy đủ chức năng để bán hàng như: giỏ hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán trực tuyến, chức năng quản lý hoạt động khuyến mãi trực tuyến, kết nối mạng xã hội, hỗ trợ chat live và website phải thân thiện với thiết bị cầm tay.
Nông sản "phủ sóng" thị trường từ sàn thương mại điện tử
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó GĐ Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.
Đã có 1.957 doanh nghiệp đang thực hiện kê khai nộp thuế qua mạng; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt, việc thanh toán bằng hình thức quét mã QR code trở lên phổ biến; các cơ sở kinh doanh tại trung tâm các huyện, thành phố đã áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thực hiện nhận đơn hàng thông qua các công cụ trực tuyến như trang thương mại điện tử, ứng dụng trên di động, hay qua các mạng xã hội.
Các hợp tác xã, hộ nông dân đã tận dụng các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nông sản. Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với Cục thương mại điện tử & Kinh tế số tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội nghị tập huấn cho trên lượt 400 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các văn bản quy phạm pháp luật cùng các kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso tổ chức buổi hướng dẫn cho các HTX trên địa bàn các huyện, thành phố Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng các website thương mại điện tử và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh.
Đến nay, Sở Công Thương Sơn La đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng, thiết kế các website, tư vấn hỗ trợ xây dựng 03 phần mềm quản lý khách hàng phục vụ cho việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm cũng như hỗ hỗ trợ quản lý khách hàng. Hỗ trợ cung cấp dịch vụ về đăng ký làm thành viên VIP của Cổng Thương mại điện tử Quốc gia ECVN cho 09 đơn vị; Hỗ trợ xây dựng xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước tổ chức Hội chợ trực tuyến như : Chương trình "Ngày đặc sản Sơn La" trên sàn thương mại điện tử Sendo; Hội chợ Triển lãm trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử PostMart.
Trong năm 2022, tỉnh Sơn La cũng đã bước đầu triển khai việc đưa các sản phẩm của tỉnh lên ra thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến, thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com. Thực hiện việc quảng cáo trả phí Google Adwords cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp các sản phẩm Cà phê trên trang tìm kiếm Google tại thị trường Anh và Đức, sản phẩm Xoài tại thị trường Úc, Trung Quốc. Tỉnh Sơn La đã xây dựng trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, HTX tại địa chỉ http://agritradepage.vn/. Trang thông tin được định hướng là kênh thông tin giới thiệu chính thống cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các sản phẩm nông sản của Sơn La, hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh xây dựng thương hiệu, kết nối với đối tác trong nước và quốc tế một cách thuận tiện, dễ dàng.
Bằng nhiều biện pháp đã triển khai, nhận thức cũng như năng lực ứng dụng về thương mại điện tử, của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người tiêu dùng và trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm, nông sản hàng hóa của Sơn La đã có mặt tại hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn trong nước. Hoạt động của các trang thương mại điện tử của tỉnh cũng như các doanh nghiệp, HTX đã góp phần đa dạng hóa các kênh kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế.