Chuyển đổi số vùng cao Sơn La: Từ nông nghiệp công nghệ cao, nông dân làm giàu trên sàn thương mại điện tử (Bài 4)

Văn Ngọc Thứ năm, ngày 18/05/2023 08:40 AM (GMT+7)
Nông dân Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác đến quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Bình luận 0

Clip: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp

Hiệu quả từ mô hình nông nghiệp chuyển đổi số

Những năm trở lại đây, Sơn La được biết đến là vùng phát triển mạnh về nông nghiệp, đặc biệt phát triển các loại cây ăn quả. Để giúp hội viên nông dân thuận tiện canh tác, tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hội viên áp dụng chuyển đổi số trong các quy trình sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Chỉ cần vài thao tác bấm nút điều khiển trên bảng vi tính hay ngay trên điện thoại, toàn bộ diện tích rau màu tại trang trại rộng hơn 2 héc ta của gia đình anh Nguyễn Đình Huy, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) sẽ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng từ nước ẩm đến các loại phân đạm.

Việc chăm sóc vườn rau màu của gia đình anh Huy được thuận tiện như vậy là nhờ sự hỗ trợ đầu tư hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G, đây là mô hình hỗ trợ hội viên nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất của Hội nông dân tỉnh Sơn La.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 2.

Việc lắp đặt hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G giúp gia đình anh Nguyễn Đình Huy, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thuận tiện hơn trong việc canh tác nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Huy chia sẻ: "Hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G là thiết bị không thể thiếu trong hệ thống tưới. Đây là hệ thống điều tiết chất dinh dưỡng như phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật theo đường ống nước đi tới những cây trồng, rau quả cần tưới. 

Về nguyên lý, châm phân tự động hoạt động dựa trên sự chênh lệch áp suất khi nguồn nước đi qua điểm hội tụ, tạo ra lực hút chân không, lực hút này hút phân, hút dung dịch dinh dưỡng từ bồn chứa, hòa tan vào nước và phân phối đều tới từng cây trồng thông qua hệ thống dây dẫn nước và thiết bị sử dụng trong hệ thống tưới".

Cũng theo anh Huy, lợi ích của hệ thống châm phân tự động là tiết kiệm được thời gian, công sức bón phân, giúp nông dân hạn chế tiếp xúc với hóa chất, giảm tối đa tỷ lệ hao hụt phân bón cho cây trồng. Nó dễ dàng đưa phân bón, chất dinh dưỡng với các hóa chất khác tới từng vị trí mong muốn. Dễ dàng điều chỉnh tốc độ tưới qua điện thoại, máy tính bảng, máy tính.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 3.

Hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G có thể phân tích được độ ẩm đất; EC đất; PH đất, từ đó giúp nông dân có thể điều chỉnh chất dinh dưỡng co cây một cách hiệu quả nhất. Ảnh: Văn Ngọc

"Trước kia khi chưa tiếp cận hệ thống châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G này, gia đình tôi mất rất nhiều thời gian để chăm sóc vườn cây trồng. Với hơn 1ha diện tích canh tác, gia đình tôi phải mất 3 giờ đồng hồ để có thể để pha phân và bón cho cây trồng. 

Khi tiếp cận với hệ thống này, chỉ cần có mạng internet, điều khiển trên điện thoại thông minh, thời gian tưới vườn của gia đình giảm xuống còn 50 - 60 phút. Thời gian đó mình có thể tận dụng làm việc khác được. Hệ thống rất dễ dàng sử dụng, ai cũng có thể điều khiển được", anh Huy nói.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 4.

Nhờ lắp đặt châm phân tự động Next Farm Fertikit 4G, gia đình anh Nguyễn Đình Huy, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) tiết kiệm được thời gian chăm sóc vườn. Ảnh: Văn Ngọc

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn, thực phẩm an toàn của Hội Nông dân tỉnh Sơn La tại Tổ 2, đường Mai Đắc Bân, phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La, tại đây có trên 200 sản phẩm các loại. Trong đó nổi bật có trên 110 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của các tỉnh Sơn La và các tỉnh thành trên cả nước.

Nhằm hỗ trợ nông dân giới thiệu, quảng bá và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết nối cung cầu sản phẩm giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh lân cận, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 5.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn, thực phẩm an toàn của Hội Nông dân tỉnh Sơn La tại Tổ 2, đường Mai Đắc Bân, phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Phạm Thị Trang, nhân viên bán hàng tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn, thực phẩm an toàn của Hội Nông dân tỉnh Sơn La chia sẻ: "Việc đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La lên các sàn thương mại tiện tự không chỉ giúp thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mà còn thuận tiện cho việc tiêu thụ nông sản của Sơn La". 

Hiện nay khách hành không phải đến tận điểm bán hàng mới có thể mua được hàng, chỉ cần lên các trang mạng điện tử đặt hàng, nhân viên tại điểm bán hàng sẽ lên đơn, gửi cho khách hàng, tiền thì thanh toán qua tài khoản, việc này rất thuận tiện, giúp cho nông sản của Sơn La đi đến mọi nơi.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 6.

Việc đưa các sàn nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp nông dân Sơn La thuận tiện hơn trong việc tiêu thụ. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân Sơn La thay đổi từng ngày

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hội Nông dân tỉnh Sơn La có 12 Hội Nông dân huyện, thành phố; 199 cơ sở Hội; trên 2.450 chi Hội với 170.334 hội viên. Để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hội viên nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số; tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số với các ngành cấp tỉnh. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 7.

Những năm gần đây, nông dân Sơn La đã áp dụng chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến kết nối thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, các cấp Hội Nông dân Sơn La đã tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền cho hàng chục nghìn lượt hội viên, nông dân về chuyển số trong nông nghiệp. Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ số với hàng trăm hội viên, tham gia. Có hàng chục nghìn hội viên, nông dân sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt phần mềm ứng dụng công nghệ số.

Hội nông dân tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn; hỗ trợ cho 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn (trong đó có 59 sản phẩm OCOP). Đồng thời, xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ 19.500 hộ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử.

Sơn La: Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp - Ảnh 8.

Với thế mạnh sẵn có là 80.000ha cây ăn quả các loại, tỉnh Sơn La xác định việc chuyển đổi số là yếu tố quyết định, góp phần đưa nông sản Sơn La vươn xa. Ảnh: Văn Ngọc

"Để tiếp tục hỗ trợ nông dân áp dụng chuyển đổi số, thời gian tới Hội Nông dân Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân thấy rõ những lợi ích của chuyển đổi số; Huy động các nguồn lực để tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số; Đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị để hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm sản xuất ứng dụng công nghệ số, từ đó nhân ra diện rộng; Vận động các doanh nghiệp, đóng góp hỗ trợ hội viên, nông dân mua, lắp đặt các thiết bị ứng dụng công nghệ số, như lắp đặt Wifi, điện thoại thông minh", ông Hiếu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem