dd/mm/yyyy

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 23/9, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo "Những giải pháp thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài".

Clip: Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho đặc sản tỉnh Sơn La của nước ngoài.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với Cơ quan Sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc.

Xây dựng thương hiệu gắn với thay đổi tư duy canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Tỉnh Sơn La hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản. Đồng thời, Sơn La cũng được biết đến là một trong những tỉnh năng động và đi đầu trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để vươn ra thị trường quốc tế.

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 2.

Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại nước ngoài”. Ảnh: Mùa Xuân.

Tại Hội thảo, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, thông tin: Những năm qua, hoạt động xây dựng thương hiệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng thu nhập cho người dân, sản phẩm làm tăng giá trị sản phẩm giá bán cao hơn so với trước khi chưa có thương hiệu. Từ đó, nhận thức của người dân về thói quen canh tác lạc hậu sang canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm hàng hóa theo thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm.

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Những giải pháp thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài". Ảnh: Mùa Xuân.

Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu, cà phê; 18 nhãn hiệu chứng nhận chè  ô long Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, sơn tra, na Mai Sơn, nếp Mường Và, xoài Sơn La, cá sông Đà, mận… 3 nhãn hiệu tập thể mật ong Sơn La; chè Tà Xùa; khoai sọ Thuận Châu.

Đặc biệt là, Sơn La có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài là chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.

Năm 2021, 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm xoài và nhãn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "xoài Sơn La" và "nhãn Sơn La" tại Việt Nam, và đây cũng là 2 sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sơn La" tại Trung Quốc.

Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu được quy định trong Luật

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 4.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc. Ảnh: Mùa Xuân.

Tại Hội thảo đại diện các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, hiện nay, chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật, như Bộ luật Dân sự nước CHND Trung Hoa, Luật Nhãn hiệu nước CHND Trung Hoa, Luật Chất lượng Sản phẩm nước CHND Trung Hoa và Luật Tiêu chuẩn hoá nước CHND Trung Hoa.

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định là sản phẩm gắn với tên gọi chỉ dẫn xuất xứ đã được thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ, có xuất xứ từ một khu vực cụ thể, nơi mà chất lượng, danh tiếng và các đặc tính khác của sản phẩm có được do môi trường địa lý đặc biệt với các yếu tố con người và tự nhiên cố hữu.

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 5.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục Trưởng cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Mùa Xuân.

Cụ thể, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bao gồm: Sản phẩm xuất xứ từ khu vực địa lý được xác định, được trồng trọt hoặc chăn nuôi; sản phẩm được làm và chế biến theo một kỹ thuật cụ thể ở khu vực địa lý mà nguyên liệu thô được lấy toàn bộ hoặc một phần từ đó.

Trong trường hợp một chỉ dẫn địa lý được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nếu một thể nhân, pháp nhân hoặc tổ chức có hàng hoá đáp ứng được các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý đó có thể yêu cầu tổ chức, hiệp hội hoặc tổ chức đã đăng ký/là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu tập thể cho phép sử dụng nhãn hiệu tập thể đó và sẽ được kết nạp trở thành thành viên theo các quy định của hiệp hội.

Đối với hồ sơ đơn và thẩm định đơn đăng ký chỉ dẫn nguồn gốc dưới hình thức nhãn hiệu, bà Lai Ying, Trung tâm Nhãn hiệu - Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, cho biết: Từ năm 2001 đến nay, các quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc được bảo hộ dựa trên luật hiện hành phù hợp với Hiệp định TRIPS (WTO); các hình thức bảo hộ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo các quy định hướng dẫn thực thi Luật Nhãn hiệu; hồ sơ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý dựa trên cơ sở pháp lý của việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn dưới hình thức nhãn hiệu cùng các tài liệu liên quan trong hồ sơ; thẩm định đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chủ đơn, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, quy chế quản lý và sử dụng, các chất lượng đặc thù của sản phẩm, mối liên hệ giữa chất lượng và môi trường địa lý.

Lần đầu tiên triển khai Kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài 

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 6.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục Trưởng cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, bước qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới nói chung và cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đang tạo đà những bước khởi sắc mới.

Sự khởi sắc của các hoạt động xuất nhập khẩu tạo nên một lực đẩy mới cho doanh nghiệp và các chủ thể liên quan tới hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài, phục vụ xuất khẩu hàng hoá. Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cũng theo đó không ngừng gia tăng.

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 7.

Đại biểu đặt câu hỏi tại Hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo con số thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ trong 5 năm gần đây, số lượng đơn liên quan việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu liên tục tăng, lượng đơn năm 2020 đã tăng hơn 150% so với năm 2015. Không chỉ gia tăng về số lượng đơn, số lượng nước được chỉ định trong đơn cũng nhiều hơn.

Có những đơn chỉ định trên 50 nước, các thị trường được các doanh nghiệp đăng ký nhiều bao gồm: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... Danh mục hàng hóa, dịch vụ được các doanh nghiệp đăng ký cũng đa dạng hơn. Ngoài các sản phẩm, dịch vụ truyền thống của Việt Nam, như: Nông sản, thực phẩm...., có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 8.

Năm 2021, nhãn là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "nhãn Sơn La" tại Việt Nam, và đây cũng là một trong hai sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sơn La" tại Trung Quốc. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Đinh Hữu Phí, thời cơ lớn luôn đồng hành cùng những thách thức, sự nhanh nhạy nắm bắt, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tiến hành kinh doanh ngoài nước của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc nắm bắt quyền, hiểu biết chưa đầy đủ về các quy định pháp luật và đặc thù của thị trường đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh mất quyền sở hữu trí tuệ của mình tại thị trường mục tiêu, trở thành rào cản lớn trong nỗ lực xuất khẩu sản phẩm. Bài học về nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thuốc lá Vinataba vẫn còn đó, là hồi chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ sở hữu trí tuệ trước khi chính thức đặt chân vào thị trường xuất khẩu mới.

Nhằm triển khai Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ, Kế hoạch phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài đã được ký kết, với các hoạt động đa dạng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài, Hội thảo ngày hôm nay là một trong những hoạt động đầu tiên triển khai kế hoạch.

"Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc cũng là đối tác truyền thống, đã và đang có những hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam suốt nhiều năm qua. Chính vì vậy, Hội thảo hôm nay, các chuyên gia đến từ Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc đã chia sẻ cho các doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ thể liên quan những thông tin giá trị về hệ thống bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc.

Từ đó, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ rút ra được những bài học quý báu trong nỗ lực xuất khẩu hàng hoá sang thị trường rộng lớn của nước bạn Trung Quốc láng giềng. Với sự tham gia của các chuyên gia Trung Quốc, các đại biểu sẽ cùng tìm hiểu những vấn đề đang quan tâm, còn vướng mắc để các chuyên gia hỗ trợ giải đáp". Ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 9.

Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã được các chuyên gia của Trung Quốc giải đáp các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tại Trung Quốc. Ảnh: Mùa Xuân.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe các chuyên gia của Việt Nam trao đổi về những vấn đề thực tiễn về sở hữu trí tuệ tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu. Giới thiệu tổng quan về chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030 và các chính sách hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại nước ngoài. Pháp luật thực tiễn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Quy định pháp và thực tiễn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại một số thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Đây cũng là những nội dung hết sức hữu ích để các doanh nghiệp, HTX tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm của mình tại thị trường nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu).

TS.Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & Phát triển Hệ thống Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: Đến với Hội thảo hôm nay, tôi được nghe các chuyên gia trong và ngoài nước nói về những vấn đề liên quan đến quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tại một số thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Hiện chúng tôi đang tư vấn cho tỉnh Sơn La hoàn thiện hồ sơ để được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu sản phẩm rượu Hang Chú (huyện Bắc Yên) và gạo Phù Yên.

Mùa Xuân