Kiểm lâm Sơn La nhiệt huyết với nhiệm vụ
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên đỉnh Sam Síp, thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Khu bảo tồn có tổng diện tích quy hoạch hơn 15.800 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai của huyện Mường La; Khu bảo tồn được các nhà chuyên môn đánh giá có tính đa dạng sinh học cao.
Nơi đây đang nắm giữ một hệ sinh thái hết sức quan trọng, thu hút sự chú ý không chỉ cấp quốc gia. Toàn bộ diện tích trong Khu bảo tồn nằm trong quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, khai thác lâm sản và săn bắn động vật hoang dã.
Trong Khu bảo tồn hiện còn một số thực vật quý hiếm, như các loài gù hương, dổi, pơ mu, thông đỏ, bách xanh, sâm, giảo cổ lam... và một số động vật nằm trong sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, trong Khu bảo tồn đã ghi nhận sự xuất hiện của gần 100 cá thể vượn đen tuyền, loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ còn ở Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Hoàng Trọng Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (Sơn La), cho biết: Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, như thông qua các cuộc họp, hội nghị của xã, bản, thông qua bảng tin, loa phát thanh, tờ rơi, bảng tuyên truyền... Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào Luật Lâm nghiệp; Luật Đa dạng sinh học; Luật Phòng cháy chữa cháy…
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tổ chức 40 cuộc họp cấp bản, thu hút 2.700 lượt người nghe. Đồng thời, thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với các hộ gia đình thuộc 37 bản vùng đệm Khu bảo tồn. Cắm biển báo, biển cấm, Pano tại khu vực giao khoán trên địa bàn Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Chỉ ranh giới giao khoán bảo vệ rừng rừng cho các cộng đồng dân cư bản Bâu, Huổi Hốc, xã Nậm Păm.
Phối hợp với UBND xã Ngọc Chiến và Tổ chức FFI tổ chức ngày hội bảo tồn vượn đen tuyền tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của người dân địa phương. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm Yên Châu, Hạt kiểm lâm Mường La, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường La tổ chức thả 5 cá thể khỉ về môi trường tự nhiên.
Kiểm lâm Sơn La tăng cường hoạt động, hiệu quả
Tổ chức 54 đợt tuần tra, kiểm tra rừng để nắm bắt và kịp thời báo cáo các hành vi xâm phạm trái phép đến rừng, hướng dẫn nhân dân các bản thuộc khu vực có nguy cơ cháy cao trong công tác PCCCR mùa khô hanh. Tiến hành ghi nhận, đánh giá các tập tính, sinh hoạt và các loại thức ăn của loài vượn đen tuyền. Trong quá trình tuần tra không phát hiện các hành vi xâm hại đến rừng.
Phân công trực cháy 24/24 giờ, đặc biệt trong thời gian khô hanh, nắng nóng kéo dài. Chỉ đạo viên chức phụ trách địa bàn tăng cường phối hợp với kiểm lâm viên phụ trách địa bàn huyện, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La không xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tổ chức 15 đợt kiểm tra rừng trồng thuộc các chương trình dự án theo hợp đồng đã ký kết với tổng diện tích: 342,05ha (Trồng rừng thay thế 162,05ha, tăng trưởng xanh 180ha). Tỷ lệ cây sinh trưởng phát triển tốt, người dân không chăn thả gia súc trong khu vực rừng trồng, thực hiện tốt công tác phát dọn, chăm sóc, vun gốc. Trồng, khôi phục và bảo tồn rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La với tổng diện tích gần 130ha.
Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2022 (nguồn năm 2021) cho 25 tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La của 4 xã Hua Trai, Nậm Păm, Ngọc Chiến, Chiềng Muôn. Với tổng kinh phí hơn 10,67 tỷ đồng.
Bằng những giải pháp cụ thể, hiện nay Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La cùng các địa phương giáp ranh triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân vùng đệm, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng mục đích.
Qua đó, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực có thu nhập ổn định từ nghề rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.