dd/mm/yyyy

Tại sao người dân ở Sa Pa lấn diện tích rừng trồng su su ?

Những cánh rừng xanh bạt ngàn đang dần biến mất ở xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Thay vào đó là những giàn su su do người dân tự trồng...

Clip: Ông Giàng A Phẳng, Trưởng thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ về diện tích rừng bị lấn trồng su su.

Sa Pa: Su su phát triển ngoài qui hoạch

Liên quan đến vấn đề bạn đọc phản ánh người dân trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa lấn chiếm diện tích rừng trồng su su. Sự việc này đã diễn ra từ nhiều năm nay và chưa được giải quyết triệt để. 

Ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cho hay: Tôi cũng là người địa phương sinh ra và lớn lên ở xã Ngũ Chỉ Sơn. Theo tôi được biết, khoảng những năm 1990 người dân đã lên khu vực mà hiện tại đang trồng su su khai hoang trồng ngô. Tuy nhiên, đến năm 1995 khi thảo quả có giá người dân lại bỏ nương ngô sang trồng cây thảo quả và từ đó nhiều cây con mọc lên thành rừng.

Thế nhưng, khi những cây thảo quả xanh bạt ngàn dưới tán rừng trồng được hơn chục năm thì năng suất thấp, giá cả cũng lúc lên, lúc xuống. Năm 2009, người dân lại chuyển sang trồng su su. Ban đầu mới có vài hộ trồng, rồi diện tích tăng dần lên cho đến bây giờ.

Tại sao người dân ở Sa Pa lấn diện tích rừng trồng su su - Ảnh 2.

Những giàn su su nối tiếp nhau mọc lên tận đỉnh đồi ở xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Xuân Mùa.

Theo ông Dảo, trong phạm vi 3 km từ bãi rác của thị xã Sa Pa về đến Km 30 tỉnh lộ 155 nơi có nhiều hộ dân nuôi cá nước lạnh thì bên phần ta luy dương chủ yếu là đất rừng. Đây là rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa quản lý. Việc người dân lấn chiếm đất rừng trồng su su không nằm trong quy hoạch của xã, do người dân trồng tự phát.

Do đó, về tình về lý mà nói cũng rất khó để xử phạt người dân, tuy nhiên, về mặt pháp lý thì người dân lại không được phép lấn diện tích rừng để trồng su su. Việc người dân tự ý chuyển đổi sang trồng su su như vậy là trái phép.

Tại sao người dân ở Sa Pa lấn diện tích rừng trồng su su - Ảnh 3.

Những lán nương được dựng ngay giữa khu vực trồng su su bên ta luy dương thuộc tỉnh lộ 155. Ảnh: Mùa Xuân.

Nhiều người dân xã Ngũ Chỉ Sơn cho rằng trước đây khi chưa có những giàn su su mọc lên, dọc tuyến đường tỉnh lộ 155 từ trung tâm xã Bản Khoang cũ đến phường Ô Quy Hồ rừng xanh bạt ngàn, còn có nhiều cây to. Bây giờ, nhiều giàn su su cứ nối tiếp nhau, có những giàn mọc lên tận đỉnh đồi. Nhiều lán nương cũng được dựng lên ngay cạnh đường tỉnh lộ, trong khu vực trồng su su, thậm chí người dân còn đổ đường bê tông để thuận tiện vận chuyển quả su su.

Khi mùa su su ra lá, đậu quả thì dưới những cây khô là màu xanh bạt ngàn nhưng khi cây su su rụng lá hết vụ thu hoạch nhiều quả đồi hiện lên trước mắt như một đồi hoang, như thể không còn rừng nữa.

Tại sao người dân ở Sa Pa lấn diện tích rừng trồng su su - Ảnh 4.

Nhiều cây chết khô, nhiều cây bị chặt ngọn để trồng su su ở xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Cây ngắn ngày đang lấn rừng ở Sa Pa, kiểm lâm có buông lỏng quản lý ?

Ông Giàng A Phẳng, Trưởng thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, cũng cho rằng: Khu vực các hộ dân lấn chiếm diện rừng để trồng su su có rất nhiều khe suối chảy xuống vùng dưới người dân thôn Can Hồ Mông sinh sống. 

Đồng thời, bà con ở vùng thấp này sinh hoạt, nuôi cá nước lạnh và trồng lúa ruộng bậc thang đều phụ thuộc vào nguồn nước từ trên đỉnh núi rừng này xuống. Đây là nơi có rất nhiều cây gỗ lớn,  rừng xanh bạt ngàn nên nguồn nước khá dồi dào. Nếu thực trạng người dân vẫn trồng su su ở trên này thì không biết trong tương lai nguồn nước sẽ ra sao.

Tại sao người dân ở Sa Pa lấn diện tích rừng trồng su su - Ảnh 5.

Phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt làm việc với lãnh đạo xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) để xác minh việc người dân lấn diện tích rừng trồng su su. Ảnh: Mùa Xuân.


Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) thông tin: Việc người dân lấn chiếm đất rừng trồng su su là có, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Còn việc người dân từng canh tác lâu năm ở khu vực lấn chiếm rừng thì chưa thể khẳng định được đúng hay không đúng vì còn liên quan đến hồ sơ bút tích. Đồng thời, để khẳng định khu nào là hiện trạng rừng tự nhiên từ trước đến giờ, khu nào làm nương rẫy thì chưa thể bốc tách ra được. 

Theo đó, phải thực hiện theo Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 14/1/2022 về việc điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó có Sa Pa. Sau khi xây dựng phương án xong sẽ xác định rõ được chỗ nào là quy hoạch cho dân, chỗ nào là Nhà nước phải quản lý để phát triển.

Tại sao người dân ở Sa Pa lấn diện tích rừng trồng su su - Ảnh 6.

Theo người dân trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) hiện nay năng suất, giá thảo quả thấp nên mới chuyển đổi sang trồng su su. Ảnh: Mùa Xuân.

"Việc người dân lấn chiếm, số diện tích, loại rừng gì vừa rồi đã có số liệu rà soát nhưng chúng tôi sẽ cung cấp báo cáo sau, cái này do Ban Quản lý rừng phòng hộ nắm". Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Sa Pa nói.

Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.

Nhóm PV Tây Bắc