Clip: Diện tích rừng ở Sa Pa (Lào Cai) bị lấn chiếm trồng su su.
Nỗi buồn cho những cánh rừng ở Sa Pa
Trong những ngày nắng chói chang giữa tháng 2/2023, phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt đã về thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn để ghi nhận thực tế sự việc này. Theo quan sát của phóng viên dọc hai bên đường từ ngã ba bãi rác của thị xã Sa Pa, nằm ở Km 33 đến Km 30 thuộc tỉnh lộ 155 về trung tâm xã Ngũ Chỉ Sơn, những quả đồi hoang đang dần hiện hữu rất rõ. Bởi mùa này su su đã rụng hết lá và dây leo su su cũng héo khô được người dân thu gom lại.
Hiện chỉ còn những cọc gỗ, tre và dây thép trơ trọi nối nhau chằng chịt như mạng nhện, nhiều cây to, nhỏ đã chết khô. Điều đáng nói khu vực người dân trồng su su trong phạm vi 3 km khu vực này có độ dốc lớn, đây cũng là nơi có rất nhiều mạch suối đầu nguồn chạy về dưới thôn Can Hồ Mông.
Khi chúng tôi (PV) gặp một số hộ dân đang dựng lại cọc su su để những mầm su su mọc lên giàn chuẩn bị cho vụ mới năm nay. Nhiều người dân ở đây bảo rằng họ bắt đầu trồng su su từ nhiều năm rồi, còn trồng trên đất gì thì họ cũng không biết.
Anh T.L.L, thôn Yên Sơn, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), đang dựng cọc làm giàn su su nói: Tôi trồng su su ở đây được nhiều năm nay rồi. Tôi cũng không biết đây là đất gì, trước phần nửa đất bên trên là do họ trồng hoa ly còn nửa phần đất phía dưới là trồng thảo quả.
Khi chúng tôi (PV) hỏi vậy khi trồng su su thì làm sao những cây rừng đang hồi sinh có thể sống được. Anh L. bảo, muốn có giàn su su thì phải cắt phần ngọn cây rừng đi, còn gốc thì cây vẫn mọc mầm được.
Tiếp đến, gần ngay con suối mà một số hộ dân đang nuôi cá nước lạnh từ thị trấn Sa Pa theo tuyến đường tỉnh lộ vào, chúng tôi leo lên đồi thảo quả xanh bạt ngàn. Mất khoảng 15 phút trèo ngược dốc, đến nơi chúng tôi mới phát hiện khu vực rừng núi này cũng đã được trồng su su từ nhiều năm. Nhiều cây rừng đã chết khô cành; nhiều cây bị người dân cắt hết ngọn chỉ còn phần thân cây và những cành non xanh đang thiếu sức sống, mới mọc lên khắp nơi. Thậm chí nhiều gốc cây to đã bị đốn hạ từ lâu.
Cán bộ xã, thôn ở Sa Pa biết rừng đang bị xâm phạm nhưng...
Để tìm hiểu rõ hơn về việc người dân lấn chiếm đất rừng để trồng su su, chúng tôi đã tìm gặp Trưởng thôn Can Hồ Mông, ông Giàng A Phẳng. Ông Phẳng thông tin: Thôn Can Hồ Mông hiện có 68 hộ dân, với hơn 370 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Việc các hộ dân trồng su su gần khu vực rừng, thôn đều nắm được. Tuy nhiên, trong thôn chỉ có 6 hộ dân trồng su su gần khu vực trên đấy thôi. Còn lại là của các hộ dân ở các thôn khác đến trồng.
Theo ông Phẳng việc trồng su su đã diễn ra cách đây khoảng chục năm trở về trước. Khi đó, chỉ có 4-5 hộ trồng thôi. Nhưng sau này khi người dân nhận thấy su su đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích su su được mở rộng, có nhiều hộ đã lấn sang đất rừng.
Liên quan đến vấn đề người dân lấn chiếm đất rừng để trồng su su, ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai khẳng định: Việc người dân trồng su su lấn chiếm đất rừng là có thật. Còn diện tích đất rừng bị chiếm, bị phá là bao nhiêu ha, thuộc loại rừng nào thì xã không nắm được.
Theo như số liệu báo cáo hiện nay, trên khu vực tuyến đường tỉnh lộ 155 từ bãi rác của thị xã Sa Pa đổ về gần đến trung tâm xã Bản Khoang cũ trước đây thì có khoảng 40 hộ dân ở các thôn Can Hồ Mông, Can Hồ A, Yên Sơn… đang trồng su su.
“Diện tích su su tăng mạnh nhất là vào giai đoạn năm 2020-2021. Người dân trồng tự phát và tự bán cho thương lái ở ngoài đến thu mua. Xã cũng đã từng nhiều lần tuyên truyền, vận động cũng cho các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm đất rừng để trồng su su.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra, xã đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng cưỡng chế một số trường hợp vi phạm.” - Ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn nói.
Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng người dân lấn sang đất rừng để trồng su su, đồng thời, lấn sang bao nhiêu diện tích đất rừng, thuộc loại rừng gì?
Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt sẽ tiếp tục thông tin.